Theo Times of India, một nghiên cứu trên nhóm trẻ đang lớn cho thấy 1.000 ngày đầu tiên của trẻ – gồm cả 9 tháng trong bụng mẹ và 2 năm đầu đời – có vai trò quyết định đến sức khỏe trong tương lai.
Khoảng thời gian này có thể ảnh hưởng lâu dài đến mọi thứ, từ nguy cơ mắc tiểu đường, mắc tim mạch khi về già cũng như cân nặng và tuổi thọ khi trưởng thành.
Lập luận này được đưa ra sau nhiều thập kỷ nghiên cứu của giáo sư David Barker và cộng sự, Đại học Southampton (Anh).
Nhóm nghiên cứu tin rằng có một chuỗi các giai đoạn tới hạn trong sự phát triển của trẻ. Nếu ở mỗi thời điểm đó các điều kiện không đủ đáp ứng, trục trặc có thể xảy ra.
Nhiều điểm tới hạn nguy hiểm này xuất hiện khi trẻ còn trong bụng mẹ. Chẳng hạn, mẹ đói dinh dưỡng khiến trẻ nhẹ cân và nhau thai kém hoạt động, trong khi thuốc lá, stress, rượu có thể gây hại lâu dài.
Giáo sư Barker tin rằng nhiều trục trặc sức khỏe có thể xuất phát từ sự kém phát triển trong tử cung. Chẳng hạn, một đứa bé nhẹ cân khi chào đời thì có tỷ lệ mắc bệnh tim về sau cao hơn hẳn. Trung bình, một em bé nặng chưa đầy 2,5 kg thì có nguy cơ chết về bệnh tim cao gấp đôi so với một bé có cân nặng tốt.
Người ta cũng cho rằng khi thức ăn trong tử cung thiếu hụt, bộ não non trẻ sẽ bị xói mòn, khiến trái tim trở nên yếu ớt. Mầm mống của bệnh tiểu đường cũng xuất hiện từ trước khi sinh.
Giáo sư Barker khẳng định rất nhiều những ảnh hưởng sớm này “đã ăn sâu bám rễ” và không thể đảo ngược về sau. Ông cũng bổ sung thêm rằng chìa khóa để con khỏe mạnh là đảm bảo rằng phụ nữ ăn uống tốt suốt cuộc đời họ.
“Đó là việc xây dựng một cơ thể nơi bào thai có thể sống. Em bé sẽ sống nhờ cơ thể mẹ – chứ không phải những bữa ăn mà cô ấy có khi mang thai”.