Trò chơi trốn tìm, một trò chơi rất đơn giản, rất trẻ con nhưng có thể giúp giải tỏa cảm xúc lo lắng và sợ hãi của trẻ. Đây là nghiên cứu mới của một nhà tâm lý học người Costa Rica.
Nhà tâm lý học Blanco người Costa Rica cho biết rằng: “Trẻ em tới độ tuổi đi mẫu giáo, khi phải tách khỏi cha mẹ để vào lớp học thì thường không ngừng khóc lóc. Nguyên nhân của việc này chính là do trẻ lo lắng và hoảng sợ khi không có người thân ở bên cạnh. Để giúp trẻ thích nghi với việc đi học mẫu giáo mà không khóc lóc, người lớn có thể cho trẻ chơi trốn tìm để bé giải tỏa tâm lý”.
Nhà tâm lý học này cũng cho biết rằng, việc rối loạn cảm xúc xảy ra ở trẻ em mẫu giáo là hiện tượng thường thấy. Khi bị tách ra khỏi môi trường quen thuộc hàng ngày bé tiếp xúc, không nhìn thấy bố hoặc mẹ hay người thân sẽ khiến trẻ vô cùng lo lắng và có phản ứng sợ hãi. Nếu người lớn không giúp bé cởi bỏ tâm lý này thì rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống và việc học tập của trẻ về sau.
Vậy để trẻ vượt qua nỗi lo lắng và sợ hãi đó thì người lớn nên làm thế nào? Nhà tâm lý học Blanco đã nghiên cứu và chỉ ra rằng việc cùng trẻ chơi trốn tìm sẽ có hiệu quả trong việc giúp trẻ ổn định tâm lý và không còn sợ hãi nữa. Trò chơi này sẽ giúp trẻ nghĩ rằng: “Cha mẹ không có ở trước mắt thì không có nghĩa là cha mẹ đã biến mất”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể để trẻ là người đầu tiên thực hành việc tách khỏi cha mẹ, để bé quen với cảm giác lạ lẫm này. Người lớn cũng có thể gửi trẻ cho ông bà chăm sóc hay chơi cùng trẻ, kéo dài thời gian ra sẽ giúp trẻ thích nghi dần và không còn quá bất ngờ với việc làm quen với một môi trường hoàn toàn mới mà không có người thân bên cạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi trẻ lớn lên, người lớn nên khuyến khích trẻ có thói quen tự lập, tự khám phá thế giới quanh mình. Ngay cả khi trẻ ở nhà hoặc hoặc lớp mẫu giáo, người lớn nên tập cho trẻ thói quen tự chăm sóc mình, chẳng hạn như tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và tự ăn. Thói quen này sẽ rất có lợi cho sự phát triển của trẻ sau này.
Khi rèn thói quen tự lập cũng như chơi trốn tìm với trẻ, người lớn cần phải kiên nhẫn, tránh nổi nóng và không được trách mắng trẻ. Nếu trẻ bị mắng nhiều lần sẽ có tâm lý sợ hãi, không dám làm nữa và ỷ lại.
Nhà tâm lý học Blanco cũng nhấn mạnh rằng, rất nhiều bậc cha mẹ thường muốn con mình không được tỏ ra lo lắng hay sợ hãi. Tuy nhiên chính bản họ lại là những người bộc lộ tâm lý lo lắng trước mặt con. Từ đó, trẻ sẽ bị ám ảnh. Vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, người lớn nên che giấu cảm xúc cuả mình trước mặt trẻ em hoặc học cách dạy trẻ biết vượt qua khó khăn.