Những “triết lý” ngây thơ, hồn nhiên đến thật thà của bé luôn đáng yêu, mang lại tiếng cười cho người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhắc nhở, uốn nắn để ngôn từ và tư duy của bé phù hợp với lứa tuổi, tránh những trường hợp nói hỗn hoặc lập luận lệch chuẩn của bé.
Nhà có khách ở quê lên, Dương bảo cu Tít (5 tuổi) lại chào. Xong, cu cậu vơ tay thấy sợi tóc bạc trên vai áo khách, miệng nhăn nhó: “Ối trời, tóc rụng này. Bẩn quá“. Dương vội vã lừ mắt quát con mà chưa hết ngượng.
Cả nhà Dương vẫn đùa gọi cu Tít là “ông cụ non”. Bất kể người lớn hay các em bé đi nguyên cả giày vào nhà là Tít “ý kiến” ngay: “Ông ơi, ông không cởi giày ra à?”. Dương kể, một lần khác nhà có khách là nam giới đến chơi. Khách đi toilet, Tít cũng ngó nghiêng theo và đứng chờ ngay trước cửa. Khi khách bước ra, Tít hồn nhiên kêu: “Bác đi xong mà không rửa tay bằng xà phòng à? Khiếp, tay bác đầy vi trùng” khiến cả chủ, cả khách đều lúng túng. Khách đành “chữa cháy”: “Ừ nhỉ, bác quên, may có Tít nhắc nhở” rồi lộn lại toilet rửa tay như Tít yêu cầu.
Tôm (6 tuổi) nhà Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rất “mau miệng” và thích “triết lý”. Hôm cả nhà về quê ngoại, Hồng mang biếu ông bà ngoại rất nhiều thứ. Tôm tỏ vẻ tiếc rẻ hỏi: “Sao mẹ mang về quê nhiều thứ thế? Nhỡ mẹ hết tiền thì sao?”. Bà ngoại nghe thế, đùa: “Hết làm sao được, bố Tôm là giám đốc, tiền nhiều lắm”. Tôm nhanh nhẹn: “Không phải đâu bà, tiền nhiều nhưng tiêu nhiều sẽ có lúc hết đấy”. Hồng phải nghiêm mặt mắng con, còn bà ngoại lại khen Tôm “biết nghĩ”.
Lần khác, Tôm đi siêu thị cùng bố mẹ và bà nội. Hôm ấy, siêu thị rất đông, Tôm vừa nắm tay bà, vừa ân cần dặn dò: “Bà đi sát vào con với bố mẹ ấy. Con phải tìm bà trên “Như chưa hề có cuộc chia ly” thì sao?” khiến bà nội và bố mẹ “bấm bụng” cười.
Thêm chuyện về Tôm, Tôm đòi sang nhà anh Đức (anh họ) khi trời tối và có vẻ sắp mưa. Bà nội dọa: “Đi đi, ra ma bắt, bà chẳng giữ được đâu”, Tôm “lý luận” ngay: “Con chả sợ ma. Con chỉ sợ những thằng giết người, cướp của thôi” làm cả nhà bật cười.