Và con bé cứ như một chiếc máy lầm lũi làm hết việc này đến việc khác, tận trưa trật cha mẹ đi làm về mà nồi cơm vẫn chưa nấu xong. Khi mẹ hỏi, cháu tôi trả lời: “Con dọn dẹp tuần tự theo những việc mẹ giao, chưa xong thì làm sao nấu cơm được?”.
Một số phụ huynh thường dạy con kiểu “cầm tay chỉ việc”. Theo họ, như vậy sẽ hình thành cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản, qua đó rèn luyện thói quen kỷ luật, không bao giờ mắc lỗi, lớn lên, những đứa trẻ này sẽ hoàn thành tốt những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo…
Chấp hành tuyệt đối
Tôi có đứa cháu gái đang học lớp 7. Từ nhỏ cháu đã được mẹ uốn nắn và hướng dẫn thực hiện công việc chính xác một cách tuyệt đối. Vì vậy, cháu thường thể hiện sự cụ thể, tỉ mỉ, thận trọng trong quá trình làm việc. Những việc được giao, cháu làm chu đáo, hiếm khi bị cha mẹ nhắc nhở. Điều này thể hiện rõ nhất là không bao giờ cháu tôi rơi vào trạng thái vội vàng, hấp tấp. Cô giáo chủ nhiệm đánh giá cháu là học sinh có trách nhiệm cao trong học tập và lao động.
Tuy vậy, khi nhìn vào thành tích học tập của cháu, tôi lại cảm thấy băn khoăn. Kết quả điểm trung bình năm học vừa qua chỉ đạt 6,4 (chưa đủ tiên tiến). Mở bài kiểm tra các môn tự nhiên tôi thấy hầu hết đều đạt 6 – 7 điểm, những môn xã hội chủ yếu điểm 6 và kèm theo đánh giá của giáo viên là “bài viết xuôi chiều, không sáng tạo”.
Một hôm, tôi nhờ cháu cân giúp cậu để phân chia gạo nếp làm quà cho bà con. Nghe lời cậu cháu làm ngay, tuy nhiên không hiểu vì sao cháu lại vác cả một bao tải gạo 20kg đến chiếc cân mà không phải ngược lại. Tôi nhắc nhở thì cháu mới nhận ra là mình thật máy móc, chỉ biết chấp hành mà thiếu sự sáng tạo. Một lần khác, tôi đã chứng kiến cháu làm việc nhà trong suốt một buổi sáng: vệ sinh nhà cửa, nấu nước, hái rau, nấu cơm canh. Và con bé cứ như một chiếc máy lầm lũi làm hết việc này đến việc khác, tận trưa trật cha mẹ đi làm về mà nồi cơm vẫn chưa nấu xong. Khi mẹ hỏi, cháu tôi trả lời: “Con dọn dẹp tuần tự theo những việc mẹ giao, chưa xong thì làm sao nấu cơm được?”.
Định hướng cho con
1. Khêu gợi, đề xuất:
Dạy con kiểu này có những lợi thế nhất định, trẻ thường chấp hành yêu cầu của người lớn, trách nhiệm cao, đặc biệt trẻ sẽ hoàn thành khá nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta không nên cổ xúy vì phương pháp này dễ tạo ra những đứa trẻ máy móc. Ở nhà chúng thực hiện “mệnh lệnh” của cha mẹ, còn đến lớp chúng lại thành những “máy học”, khó phát huy được tư duy chủ động, sáng tạo.
Trong gia đình, ngay từ những năm đầu đời, cha mẹ nên vận dụng phương pháp dạy con linh hoạt. Thay vì những kiểu cầm tay chỉ việc thì bằng hướng dẫn, khêu gợi, đề xuất để trẻ tiến hành. Nếu cha mẹ dạy con kiểu máy móc này thì khi đến trường trẻ cũng khó hình thành những thói quen, những phương pháp học tập linh hoạt. Đặc biệt khi trẻ tham gia vào môi trường xã hội cũng như đến lúc trưởng thành thường khó khăn trong quá trình giao tiếp, ứng xử, thiếu tự tin, hoặc ít cơ hội thành công trong sự nghiệp.
2. Khơi nguồn cảm hứng theo năng lực:
Cha mẹ có thể nghiêm khắc nhưng không nên gò ép, bắt buộc con theo những khuôn mẫu cứng nhắc của người lớn; hãy để trẻ tự tìm hiểu và tự khám phá thế giới xung quanh bằng chính cảm hứng, năng lực của bản thân, tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động bổ ích, qua đó trẻ được mở rộng và học hỏi rất nhiều từ công việc.
Cha mẹ hãy tìm hiểu con mình muốn gì, thích gì, hứng thú với công việc nào để có thể giao nhiệm vụ. Tốt nhất nên tạo điều kiện để con mình phát triển một cách tự nhiên và tự giác với công việc. Như vậy, vừa mang lại niềm vui cho trẻ đồng thời giúp trẻ phát huy tính năng động, sáng tạo thông qua hoạt động.