Phụ nữ sau khi sinh cơ thể đang mệt mỏi, yếu đuối, cần được phục hồi. Họ bị cảm nắng và sẽ làm họ cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều so với người bình thường.
Nếu sản phụ đang trong thời gian cho con bú thì họ phải hết sức đề phòng khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, kể cả thuốc cảm nắng. Trong trường hợp này, sản phụ cần quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và các phương pháp sơ cứu để vượt qua khó khăn này.
Nguyên nhân cảm nắng ở sản phụ
Cảm nắng nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ không khí quá cao, quá ẩm, nhiệt lượng của sự trao đổi chất trong cơ thể không tỏa ra được. Thể lực phụ nữ sau khi sinh yếu, khả năng điều tiết nhiệt độ trong cơ thể thấp dễ dẫn đến cảm nắng.
Mùa hè nóng nực, đặc biệt là khi nhiệt độ cao, trong phòng lại không thông thoáng, đi tất bảo vệ chân làm cho cơ thể vốn suy nhược của phụ nữ sau khi sinh càng dễ cảm nắng.
Đề phòng cảm nắng ở sản phụ
Phụ nữ sau khi sinh, đang trong thời gian ở cữ không nên mặc quá nhiều quần áo, không đắp chăn nhiều, trong phòng phải thoáng gió, thời tiết đẹp nên ra ngoài vận động và thường xuyên quan tâm đến chế độ ăn uống, ăn nhiều chất bổ và mát.
Biểu hiện của sản phụ bị cảm nắng và cách xử trí
Phụ nữ sau khi sinh thấy xuất hiện những triệu chứng như khát nước, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, không có sức lực, khó thở, hoảng hốt. Lúc này phải mở cửa sổ cho thông gió, giảm nhiệt độ môi trường xung quanh, đến chỗ mát mẻ thoáng gió, uống dung dịch chống mất nước hoặc nước muối nhạt, cơ thể sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
Nếu bệnh tình của phụ nữ sau khi sinh mỗi lúc một nặng hơn, sẽ làm cho thân nhiệt tăng lên, mặt đỏ hồng tình trạng tức ngực khó thở cũng tăng lên, da khô nóng, nổi rôm sảy toàn thân, không ra mồ hôi, đến khi thân nhiệt hạ xuống sẽ ra mồ hôi nhiều, háo nước. Lúc này ngoài xử trí như trên cón phải nhanh chóng làm giảm nhiệt độ trong phòng, vẩy nước lạnh, lấy nước đá để giảm nhiệt độ trong phòng, có thể lấy túi nước đá chườm trán, nách. Đồng thời gọi bác sỹ khám chỉ định tiêm hoặc dùng loại thuốc nào thích hợp vừa trị bệnh vừa không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Thông thường khi người mẹ có bất kỳ triệu chứng sốt hay cảm gì thì đều nên cách ly với bé, tránh để lây bệnh từ mẹ sang bé, nên cho bé dùng sữa ngoài trong thời gian mẹ bị ốm.
Phụ nữ sau khi cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống trong những ngày nóng bức để đề phòng cảm nắng.
Những món ăn giúp phòng tránh và điều trị cảm nắng ở sản phụ
– Món chè đậu xanh bột sắn: Đậu xanh rửa sạch hầm nhừ, bột sắn pha nước lạnh quấy tan rồi cho vào đảo đều trên bếp với đậu xanh đã hầm nhừ, cho thêm chút đường vào để ăn.
– Đậu xanh, hoa mướp: Đỗ xanh 30 – 50 gam, hoa mướp tươi 6 – 8 bông. Đỗ xanh rửa sạch cho nước vào đun chín nhừ, tiếp tục cho hoa mướp vào đun sôi là được. Ăn cả nước lẫn cái.
– Ngó sen tươi khoảng 200 – 300 g rửa sạch thái nhỏ, giã nát, ép lấy nước uống hòa thêm nước đun sôi.
– Ăn canh mướp, mướp luộc hoặc nước ép mướp hòa thêm chút dấm.
– Mướp đắng tươi 1 quả, ngâm nước sôi để uống.
– Cà chua 1 quả, cắt miếng, ngâm nước sôi làm trà để uống.