Nhiều nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng trong ca sinh nở, nhân viên y tế không nên vội cắt cuống rốn của trẻ sơ sinh. Việc đó sẽ tạo điều kiện để các tế bào gốc quan trọng và các chất dinh dưỡng có thể được truyền từ người mẹ sang trẻ.
Họ nói rằng trong văn hóa phương Tây, việc cắt cuống rốn có lẽ đã được thực hiện quá sớm – thường là từ 30 giây đến 1 phút sau khi trẻ sinh.
Nhưng việc này có thể ngăn máu cuống rốn rất giá trị được truyền sang đứa bé. Việc trì hoãn cắt cuống rốn còn có thể ngăn được nhiều chứng bệnh trong đó có rối loạn hô hấp, bệnh phổi mãn tính, xuất huyết não, thiếu máu, nhiễm trùng máu và bệnh mắt.
Trong khi sinh nở, nhau và cuống rốn co bóp và bơm máu vào bé. Khi máu đã đạt đến mức quân bình, các xung của cuống rốn ngưng lại và dòng máu cũng ngưng. Khi bác sĩ sản khoa và các bà đỡ trì hoãn việc cắt cuống rốn – hoặc chờ cho đến lúc các xung đã hoàn toàn kết thúc – bé sơ sinh có thể được hưởng lợi đầy đủ từ việc truyền máu, nhóm nhà khoa học tại Đại học South Florida, Mỹ, khẳng định.
Tiến sĩ Paul Sanberg nói: “Máu cuống rốn cũng chứa nhiều tế bào gốc quan trọng, làm cho việc truyền tế bào gốc trở thành một tiến trình có thể được xem là việc ghép tế bào gốc nguyên thủy”.
Sau khi xem lại đa số nghiên cứu trong lĩnh vực này, tiến sĩ Sanberg và các đồng nghiệp kết luận rằng việc trì hoãn cắt cuống rốn sẽ có lợi cho trẻ sơ sinh.