Các chuyên gia cho rằng, bản tính ích kỷ của các bé anh với em trai mình không phải hiếm. Không thể “đảm đang” và tỏ ra người lớn như các bé gái khi làm chị, nhiều bé anh thậm chí chỉ chơi nổi với em trai trong ít phút hoặc so đo, tính toán, cáu gắt với em mình khi không vừa ý.
Tít (6 tuổi) tuy là anh nhưng rất “keo kiệt” với em trai Mít (gần 2 tuổi).
Tít “nghiện” snack (bimbim), Mít cũng thế. Nhưng mẹ của hai bé không muốn em Mít ăn bimbim vì sợ cu cậu bỏ bữa cháo. Mỗi buổi đi học về, Tít được một suất bimbim và ngồi “vểnh râu” ăn một mình, mặc em Mít ngửa tay xin.
Ánh (mẹ của anh em Tít – Mít) cho biết, Tít cực kỳ “kẹo kéo” với em. Thấy em “xin xỏ” là Tít chạy khắp nhà hoặc chui vào phòng, đóng sập cửa mặc em gào khóc. Khi nào bị mẹ quát, Tít mới miễng cường “nhè” cho em một miếng nhưng phải đưa lên miệng cắn làm đôi đã. Xong, Tít nhất định không cho thêm em, còn “gân cổ” lên gắt: “Cho 4 miếng rồi đấy. Cho nữa để hết à? Thế anh ăn bằng gì?”.
“Có đồ chơi nào, Tít cũng giữ khư khư, em có động tới là giật lại bằng được. Cháu cũng luôn nhăn nhó, gắt gỏng với em. Ăn gì cháu cũng chỉ nghĩ đến mình, ăn cho đã, cho no, hết thèm thì may ra mới “động lòng” tới em đang ngẩng cổ phía dưới “xin xỏ”” – Ánh chia sẻ.
Buồn vì nhắc con nhiều lần nhưng Tít không có gì thay đổi. Chắc là từ trước đến nay, Tít luôn được chiều nhất nhà, cái gì cũng được bố mẹ cho ăn cả nên giờ có em, cu cậu vẫn giữ nguyên bản tính ích kỷ.
Cùng cảnh ngộ với Ánh, Hường (Gia Lâm, Hà Nội) cũng có cậu con lớn (7 tuổi) cực kỳ “ky” với em trai (hơn 1 tuổi). Có bác hàng xóm hay trêu cu anh là: “Bán em Bi cho bà rồi bà cho tiền mua kẹo”, cu anh đáp luôn: “Cháu cho không bà đấy. Không có em, cháu càng được ăn nhiều”. Chuyện này chỉ là chuyện vui trẻ con nhưng cũng khiến Hường buồn mãi.
“Có quả bóng nhựa, mình bảo cu anh chơi cùng em nhưng cháu ôm bóng, chạy mất. Chơi gì cháu cũng chạy lên phòng, đóng cửa lại chứ nhất định không cho em vào. Còn thấy em ăn gì ngon ngon, có khi còn ra cướp cả của em” – Hường kể.
Các chuyên gia cho rằng, bản tính ích kỷ của các bé anh với em trai mình không phải hiếm. Không thể “đảm đang” và tỏ ra người lớn như các bé gái khi làm chị, nhiều bé anh thậm chí chỉ chơi nổi với em trai trong ít phút hoặc so đo, tính toán, cáu gắt với em mình khi không vừa ý.
Khi có thành viên mới, bố mẹ rồi cả nhà dồn hết tình cảm vào bé em, thậm chí bé anh còn bị quát mắng nhiều hơn vì chơi đùa ảnh hưởng đến em nên khiến anh lớn sinh tâm lý khó chịu hoặc ghét em. Ngoài ra, từ trước đến nay, anh lớn luôn được nhường miếng ngon hoặc gói bánh được ăn cả nên bây giờ chuyện phải chia cho em khiến anh khó chịu.
Để điều chỉnh thái độ của anh lớn với em bé đòi hỏi nhiều ở cách cư xử và quan tâm của cha mẹ. Ngay từ khi mang thai, người mẹ nên trò chuyện với bé lớn về em bé trong bụng mẹ. Có thể dụ để bé trò chuyện với em, đặt nickname cho em… Giai đoạn này dù bận rộn hay mệt mỏi, người mẹ cũng không nên quên quan tâm và chăm chút cho bé lớn để bé không có cảm giác bị cho “ra rìa”.
Khi em bé chào đời, hãy hướng dẫn bé lớn cách chăm sóc và vui chơi với em thay vì quát nạt hoặc cho là bé lớn không biết chăm em. Khi mua đồ chơi hay quần áo cho bé em thì cũng nên mua món gì đó cho bé anh để bé cảm thấy được đối xử công bằng.
Khi bé em đã lớn hơn và ăn được nhiều thứ, cha mẹ nên chủ động hướng dẫn bé lớn chia đồ ăn, đồ chơi và tạo các hoạt động mà hai anh em có thể chơi cùng nhau. Ban đầu, bé lớn có thể phản đối quyết liệt vì đã quen được “ăn cả”. Nhưng cha mẹ cũng không nên vì thế mà trách mắng hay đánh đòn bé lớn. Làm như thế bé chỉ thù địch hơn với em mà thôi. Thay vào đó nên chia đồ ăn ra rồi đưa cho hai anh em một cách công bằng: khi anh có đồ thì chia cho em và ngược lại, khi em có gì, mẹ cũng chủ động chia cho anh ăn cùng… Dần dần, sẽ tạo thói quen chia sẻ vui vẻ giữa hai anh em và giúp bé lớn yêu thương em của mình.