Nếu được khuyến khích vẽ trong giờ học, các em học sinh sẽ nhớ lâu và hiểu các khái niệm khoa học sâu hơn.
ABC dẫn lời giáo sư Russell Tytler, một nhà nghiên cứu về giáo dục của Đại học Deakin tại Mỹ, cho biết, nhiều học sinh không thích hoặc không thể học tốt các môn khoa học do giáo viên đẩy các em vào tình thế thụ động trong quá trình giảng dạy.
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, học sinh tỏ ra hào hứng hơn với các môn khoa học nếu các em tự minh họa những khái niệm khoa học khô khan bằng hình vẽ.
Trong một nghiên cứu kéo dài ba năm, Tytler và các đồng nghiệp yêu cầu giáo viên khuyến khích học sinh vẽ trong các giờ khoa học. Những khái niệm mà học sinh vẽ để minh họa rất đa dạng – như các lực trong tự nhiên, trái đất, sự thích nghi của động vật trong tự nhiên, tế bào và di truyền, sự biến đổi chất. Kết quả cho thấy đa số học sinh nhớ lâu và hiểu sâu các khái niệm khoa học hơn so với trước kia. Các em tỏ ra vượt trội hơn so với những học sinh khác trong hoạt động tư duy, giải quyết vấn đề, chia sẻ hiểu biết về khoa học.
“Phần lớn hoạt động tư duy trong nghiên cứu khoa học phụ thuộc vào hình ảnh. Chẳng hạn, trong thiên văn, để hiểu được các khái niệm về ngày, đêm và mùa thì trước tiên chúng ta phải hiểu mối quan hệ giữa mặt trời và trái đất”, Tytler phát biểu.
Bên cạnh ngôn ngữ, các nhà khoa học thường xuyên sử dụng đồ thị, biểu đồ, video, ảnh và các hình vẽ bằng tay để giải thích những phát hiện của họ và gây cảm hứng cho người nghe. Nhưng ít ai biết rằng, những hình vẽ cũng giúp giới khoa học hình dung và thử nghiệm những ý tưởng mới.
Một thực tế đáng buồn tại các trường hiện nay là giáo viên hiếm khi khuyến khích học sinh vẽ để thể hiện mức độ hiểu của các em đối với những khái niệm khoa học.
“Chúng ta phải chú ý tới khả năng vẽ và hình dung của người học. Đó là một kỹ năng quan trọng chẳng kém đọc và viết”, Tytler khẳng định.