Trong xã hội hiện nay thực hư lẫn lộn nên dù có muốn thể hiện lòng nhân ái của mình củng không phải là chuyện dễ dàng không khéo lại bị kẻ gian lợi dụng? Đó là điều mà không ít người ái ngại khi muốn thể hiện lòng nhân ái với người khác?
Nói thật sợ gieo hoài nghi
Chị Phương Nga, 32 tuổi, mẹ của ba đứa con chia sẻ: “Tôi chở con ra chợ. Con gái tôi (6 tuổi) thấy một người đàn ông chừng 30 tuổi mặc áo nhà chùa bưng cái bát trên tay, cháu nằng nặc đòi mẹ dừng xe để cho tiền vào bát. Tôi biết chắc đó là nhà sư giả dạng, nhưng không biết giải thích với con thế nào. Chẳng lẽ cho con biết đó là một dạng ăn xin lừa đảo? Thế nào con gái tôi cũng sẽ hỏi: “Thế nào là lừa đảo hở mẹ? Tại sao họ phải đi lừa? Tại sao…” Tôi sợ phải cho con biết những mặt xấu của con người, rồi con tôi lại hoài nghi về lòng nhân ái mà mẹ nó hàng ngày dạy con. Tôi phải xử lý thế nào khi gặp trường hợp này?”
Anh Trần Bình có con học lớp 8, tiếp lời: “Nhiều lần chở con ghé vào đổ xăng, có mấy đứa nhỏ cứ bám theo xin tiền. Tôi biết ba mẹ hay những kẻ chăn dắt mấy em đang ở đâu đó xung quanh, nên quyết không cho đồng nào. Con tôi thắc mắc lắm! Cháu hỏi lúc nào cho mà lúc nào không cho? Tôi muốn dạy con biết thương người, sao khó quá?”
Cho hay không cho với những trường hợp ăn xin giả mạo? Nói làm sao cho con trẻ hiểu rằng thương người là quan trọng, nhưng phải thương đúng người đúng chỗ? Làm sao dạy con trẻ lòng nhân ái khi có quá nhiều đối tượng lạm dụng lòng nhân để tồn tại? Thật là câu hỏi khó với nhiều bậc cha mẹ thời nay!
Tận dụng mọi cơ hội để nói về lòng nhân ái
Th.S tâm lý học Võ Thị Tường Vy, giảng viên khoa tâm lý – đại học Sư phạm TP.HCM nói: “Không cứ phải ra đường cho tiền ai đó mới thể hiện lòng nhân ái. Dạy con biết tôn trọng, chăm sóc thân thể của mình cũng là tiền đề đầu tiên của lòng nhân ái. Khi trẻ biết tôn trọng, yêu thương bản thân thì sẽ tôn trọng, yêu thương người khác. Dạy trẻ biết đọc những cuốn sách hay về tính nhân văn, về nghị lực của con người, cũng là cách hun đúc lòng nhân ái. Dạy trẻ biết xin lỗi khi mắc lỗi, cha mẹ dũng cảm xin lỗi con khi la mắng con sai, cũng là cách dạy trẻ tinh thần trách nhiệm. Đối xử với các con trong nhà bình đẳng, công bằng, cũng là cách để con biết cư xử công bằng khi ra xã hội. Tất cả điều đó là lòng nhân ái, đâu nhất thiết phải thể hiện bằng tiền?”
Còn theo Th.S xã hội học Trần Đình Dũng: “Nếu gặp một nhà sư giả, hãy giải thích đơn giản: “Mẹ thấy ông sư này có sức khoẻ, chắc là có thể tự kiếm tiền được, thôi, mình để tiền cho người ốm yếu hơn con ạ”. Đừng bắt đứa nhỏ sáu tuổi của bạn phải hoài nghi và phân biệt thế nào là thật – giả trong thế giới mà người lớn chúng ta đôi khi còn nhầm lẫn. Tương tự với những trường hợp khác, hãy khéo léo giải thích một cách nhẹ nhàng. Nếu đang đi mà gặp nhóm người hôi của, hãy tận dụng cơ hội để nói cho con biết: Đó là những người mất phẩm hạnh, mất tự trọng! Đừng bao giờ đổ lỗi cho môi trường chật chội, thời tiết nóng bức mà cho phép mình chẹt ngang đầu xe người khác, rồi quay lại sừng sộ, nạt nộ! Chịu khó khuyến khích, cổ vũ con khi con làm đúng, giải thích cặn kẽ khi con sai. Cha mẹ sống có tự trọng, yêu thương lẫn nhau, đó chính là cách tốt nhất để dạy con biết yêu thương và tin tưởng vào điều tốt trong đời.”