Trong lần mang thai thứ hai, dù rằng đã có rất nhiều kinh nghiệm từ lần thứ nhất thì người mẹ sẽ vẫn phải đối mặt với những nỗi lo mới và một trong số đó là việc chuẩn bị tâm lý cho đứa con đầu sẵn sàng chào đón em bé. Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái với sự xuất hiện của một thành viên mới của gia đình.
Trước khi sinh:
Hãy nói cho con nghe về việc mang thai của mình trước khi đứa trẻ biết được thông tin này từ những người khác – điều này dễ khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi. Vì trẻ thường tò mò nên sẽ rất muốn biết em bé đến từ đâu và sẽ có vô vàn câu hỏi cần đến sự giải đáp của mẹ. Tuy nhiên người mẹ không cần phải nói quá chi tiết, đứa trẻ sẽ hài lòng khi mẹ nói “em bé sẽ đến từ bụng của mẹ.”
Chuẩn bị tinh thần
Hãy nói chuyện với trẻ về người em sắp chào đời càng thường xuyên càng tốt. Tạo điều kiện để trẻ nêu lên những thắc mắc hay những mối quan tâm của trẻ dành cho em. Mẹ cũng phải lưu ý đến những dạng tình cảm của trẻ dành cho em. Sự xuất hiện của một thành viên mới sẽ tạo nên những biến động trong cuộc sống tình cảm của gia đình, đặc biệt đối với những trẻ em dưới 5 tuổi, do đó mẹ không nên quá sợ hãi khi con trẻ thể hiện bất kỳ một thái độ tiêu cực nào đó đối với người em sắp chào đời.
Nếu trẻ đang dần tới một cột mốc quan trọng trong cuộc sống, hãy cố gắng để thời điểm đó đến khi trẻ sơ sinh đã được vài tháng tuổi. Việc vệ sinh cho trẻ, chăm sóc và chuẩn bị để trẻ vào năm học mới… là những việc rất quan trọng và mẹ cần phải quan tâm một cách nghiêm túc… đừng để mối lo lắng về em bé làm xao nhãng nhiệm vụ này, khiến cho trẻ có cảm giác hụt hẫng.
Việc chào đón một thành viên mới trong gia đình thường sẽ dẫn đến rất nhiều sự thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là việc trẻ phải ngủ riêng. Mẹ hãy sắp xếp việc này khi thai nhi được khoảng 6 tháng, việc điều chỉnh này sẽ giúp cho trẻ có được giấc ngủ tốt hơn và dần làm quen với môi trường mới. Tránh những trường hợp chuyển đổi ngay lập tức khi có thành viên mới, vì điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc thiếu sự yêu thương.
Để trẻ tham gia chuẩn bị đón em:
Tạo ra nhiều điểm tương đồng giữa trẻ và em bé. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy đặc biệt và quan trọng. Hãy tham khảo ý kiến của trẻ về quần áo, giường hoặc thậm chí cả tên của em bé, để trẻ đi chọn mua đồ cho em…
Nếu bạn bè của mẹ có trẻ sơ sinh, hãy thường xuyên ghé thăm họ và đừng quên dẫn trẻ theo. Từ đó, trẻ có thể hình dung và cảm nhận được một gia đình có trẻ sơ sinh ra sao. Mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chơi đùa cùng em bé nếu như bạn của mẹ cho phép, dĩ nhiên dưới sự giám sát của người lớn. Trẻ sẽ cảm nhận được những cảm giác rất thật và hiểu được những niềm khi vui khi có thêm em bé.
Nếu có thể, hãy đưa trẻ đến thăm mẹ trong bệnh viện trước khi mẹ sinh, cho trẻ lắng nghe nhịp tim và xem các siêu âm. Bằng cách này, trẻ sẽ vui mừng khi thấy được sự gần gũi với mẹ và em. Hãy mua cho trẻ một con búp bê lớn, tập cho trẻ cách để giữ và chơi với búp bê. Trẻ sẽ cảm thấy mình thật sự tự tin hơn, biết cách chăm sóc và quan tâm đến em bé hơn.
Sau khi sinh:
Hãy tạo điều kiện để trẻ là người đầu tiên tiếp xúc với em bé. Nếu không có quá nhiều thành viên của gia đình xung quanh, trẻ sẽ có phản ứng tự nhiên khi giao tiếp với em bé mới sinh thông qua ánh mắt. Điều này sẽ tạo nhiều cảm xúc cho trẻ và trẻ cũng có thể điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn.
Chia quà:
Với em bé mới sinh, chắc chắn sẽ nhật được rất nhiều quà. Điều này sẽ gây cho trẻ có một cảm giác hụt hẫng khi mình không nhận được quà, hãy giải quyết vấn đề này bằng cách sắp xếp và cùng trẻ mua những món quà để trẻ tặng cho em bé và ngược lại.Tạo điều kiện để bạn bè đến thăm quan tâm và tặng quà cho cả hai trẻ, nếu chỉ có món quà dành cho em bé mới sinh sẽ khiến trẻ không vui và làm giảm sút tinh thần của trẻ.
Nhờ giúp mẹ:
Cố gắng tạo ra sự năng động của trẻ trong việc giúp đỡ mẹ chăm sóc em bé hàng ngày như nhờ trẻ lấy tã, quần áo cho em, vệ sinh cho em bé, hoặc, ru em ngủ, … Chấp nhận sự giúp đỡ của trẻ khi trẻ muốn mặc quần áo cho bé hoặc đẩy xe đẩy đưa em đi dạo xung quanh. Trẻ cũng sẽ cảm thấy sự quan trọng của mình khi mẹ kể cho trẻ nghe về việc làm một người anh trai/chị gái như thế nào và mẹ đã thật may mắn khi có sự giúp đỡ từ trẻ dành cho em.
Âu yếm khi trẻ muốn gây chú ý:
Khi có em, rất có thể trẻ sẽ có những dấu hiệu hồi quy (hành động như trẻ sơ sinh) như muốn được cho ăn, muốn được chăm sóc, trẻ có thể khóc không ngừng và có thể tiểu dầm trên giường. Đây là những hoạt động sinh lý hoàn toàn bình thường, mẹ không nên quá lo lắng. Nên nhớ, đừng la mắng nếu phát hiện ra các dấu hiệu trên, tất cả những gì trẻ cần chỉ là được mẹ chú ý chăm sóc và quan tâm nhiều hơn, một vài nụ hôn và cái ôm nồng ấm dành cho trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy bớt tủi thân.
Trẻ sẽ mất một thời gian điều chỉnh để phù hợp với sự có mặt của em bé, có thể trẻ sẽ thích nghi một cách tự nhiên hoặc không và trẻ sẽ có những thay đổi tích cực và tiêu cực. Hãy kiên nhẫn và dành toàn bộ tình yêu thương của mình để làm tất cả những khéo léo nhất để vượt qua giai đoạn này.
Sau tất cả, thành viên mới sẽ không chỉ là một người em mà còn là người bạn của trẻ.