Chia sẻ thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa, chị thực sự “sốc” khi biết rằng chứng khó đọc của con có liên quan đến việc “trốn bò”.
Lần đầu làm mẹ, giống như nhiều bậc cha mẹ khác, chị Nhi thực sự xúc động khi con trai chập chững đi những bước đầu tiên. Nhưng khác biệt so với bạn bè đồng lứa, bé Tuấn con trai chị Nhi lại bỏ hẳn giai đoạn tập bò, đứng thẳng người và bước đi luôn.
“Khi không thấy con bò, trườn như những đứa trẻ khác, tôi thực sự bối rối và tự hỏi ‘liệu có chuyện gì xảy đến với con không?’. Rồi một ngày nọ, con bỗng đứng thẳng người, bập bẹ và bước những bước siêu vẹo về phía tôi, tôi mừng như vớ được ‘vàng’. Thế là mối lo bao ngày của tôi được gỡ bỏ. Tôi nghĩ rằng biết đi sớm sẽ tốt hơn cho sự phát triển của con”, chị Nhi chia sẻ.
Đến khi bé Tuấn đến tuổi đi học, chị phát hiện kỹ năng đọc – viết của con chậm hơn so với các bạn cùng lớp. Họp phụ huynh, cô giáo thường kêu rằng con chị mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành bài chính tả hay đọc một đoạn văn, thơ… Chia sẻ thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa, chị thực sự “sốc” khi biết rằng chứng khó đọc của con có liên quan đến việc “trốn bò”.
Tập trườn, bò giúp trẻ vận động toàn bộ cơ thể. Sự kết hợp linh hoạt giữa tay phải với chân trái và tay trái với chân phải cùng các bộ phận khác nhau trên cơ thể mới giúp trẻ di chuyển được. Hơn nữa, khi bò, cơ bụng và cổ của trẻ sẽ phát triển cứng cáp hơn, có lợi hơn lúc trẻ bắt đầu đi học và làm quen với các kỹ năng viết, đọc, vẽ…
Sự kết hợp tay – chân trong giai đoạn tập bò giúp trẻ làm chủ kỹ năng đọc – viết nhanh hơn những trẻ ‘trốn bò’. Hầu hết những trẻ mắc hội chứng khó phát âm đều là những trẻ đã bỏ qua giai đoạn tập bò.
Hơn nữa, tập bò giúp khả năng vận động và quan sát của bé nhanh nhạy hơn rất nhiều. Do vậy, cha mẹ cần tạo điều kiện lý tưởng nhất để con có cơ hội tập bò theo đúng độ tuổi.
Nhưng nếu bé chưa hứng thú với hoạt động này thì phụ huynh cũng không nên quá khắt khe mà ép bé.