Trong một lần đi ăn cùng học sinh nội thành, tôi ngạc nhiên khi các em ăn bất cứ món gì cũng chừa lại chút ít. Hỏi ra, các em cho biết như thế mới… sang! Các em không biết rằng thế giới rộng lớn ngoài kia, ngay cả công dân những quốc gia giàu có, họ ăn với một thái độ khác: không chừa lại thứ gì, không phung phí vì họ biết ở nơi nào đó trên trái đất này còn rất nhiều người đang đói.
Nhiều bậc phụ huynh còn cho rằng thương con thì đáp ứng tất cả những gì con muốn, để chúng bằng bạn bằng bè; dù gia cảnh không mấy khá giả. Chị Hoàng (Thủ Đức, TP.HCM), bán sinh tố lề đường, cắc củm từng đồng, nhưng con trai chị không thua kém ai, từ áo quần giày dép đến chiếc xe Future Neo, “con dế” cảm ứng. Để chứng tỏ mình giàu có, em sẵn sàng mời bạn đi ăn, tỉnh bơ thanh toán bữa ăn thịnh soạn bằng những tờ bạc trăm. Em Thanh Tuyền, học sinh lớp 12 một trường THPT quận 3; mẹ bán cơm tấm lề đường, cũng muốn chứng tỏ mình sành điệu bằng cách bao bạn bè ăn uống, thay đổi điện thoại liên tục, cuối tuần đi bơi ở khách sạn New World. Nhiều em, gia đình không thể đáp ứng những nhu cầu sành điệu thì lại sống khổ sở trong vỏ ốc của mặc cảm thua thiệt.
Thật ra, không phải người trẻ nào cũng có tính đua đòi. Cũng không phải con cưng nào cũng tiêu xài hoang phí. Chị Tuyết V. bán vải ngoài chợ Sài Gòn, chồng là hiệu trưởng một trường THCS, nhưng hai đứa con chị rất ngoan, không hề đua đòi chúng bạn. Sau giờ học chính khóa, các em về nhà chủ yếu tự học. Hỏi về cách dạy con, chị V. vui vẻ: “Từ nhỏ, tôi đã tập các cháu thói quen dành tiền bỏ ống heo. Tết, có tiền lì xì, tôi mua cho mỗi cháu một con heo đất để dành tiền lì xì lấy hên. Đến cuối năm chúng tôi “mổ” heo sắm đồ tết. Hoặc trong năm các cháu muốn mua gì thì cứ đập ống heo, thiếu chút ít chúng tôi bù vào”.
Hai con của anh chị Minh Hải, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng tại quận 1 là những học sinh ngoan, sống giản dị. “Từ nhỏ, chúng tôi tập các cháu biết sống đơn giản, biết ba mẹ cực khổ thế nào để kiếm đồng tiền, tập các cháu quen với từ “không” khi ba mẹ không thể đáp ứng được ước muốn của con”. Gia đình anh Minh Tiến là Việt kiều Pháp về nước kinh doanh. Anh chị tập cho con gái duy nhất thói quen bằng lòng với những gì mình có. Bé Thanh vui vẻ tự hào sử dụng chiếc xe cub 72- kỷ niệm của bố mà không đòi hỏi gì.
Tiến sĩ Võ Văn Nam (khoa Tâm lý- Đại học Sư Phạm TP.HCM) cho rằng: “Khi thói quen trở thành những nếp gấp trong não, sẽ rất khó thay đổi”. Trong khi đó, giáo dục là tạo nên những thói quen. Nhiều bậc cha mẹ khi con cái hư hỏng, đua đòi… thường đổ thừa: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tuy nhiên, do ám ảnh quá khứ nghèo khổ, thiếu thốn của mình đã khiến cha mẹ nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Nhiều bậc cha mẹ muốn chứng tỏ “ta đây đại gia” khi mới bắt đầu giàu có, đã vô tình dẫn con đến chỗ đánh mất chính mình. Anh chị Bảy bán đất ở Củ Chi được gần trăm cây vàng, liền mua xe cho các con và ăn xài thoải mái. Họ tự cho rằng đã đổi đời, phải sống thoải mái bù cho thời thiếu thốn mọi bề. Chẳng mấy chốc số vàng cạn, đất đai chẳng còn, nghề nghiệp không có, con cái anh chị sa vào nạn trộm cắp khi đã quen tiêu xài hoang phí.
Không chỉ dạy con biết quý trọng sức lao động, anh chị Bạch Lân (quận 3) dạy các con cách ăn mặc, sống giản dị. Hai con anh chị, một trai một gái không chạy theo những kiểu thời trang kinh dị, luôn ăn mặc giản dị, trang nhã. Thay vì mang tiền bạc của ba mẹ, những trí thức giàu có, vào những trò ăn chơi chưng diện vô bổ, các cháu dùng tiền mua sách vở học tập, sách văn họć, đĩa nhạc, học ngoại ngữ, vi tính… Ngày nọ, các con họ “săn” được học bổng tại New Zealand. Anh chị cười nói khi mọi người khen gia đình có phước: “Tất cả là do giáo dục. Dạy con tiết kiệm, lo học hành và chỉ cho con đường đi, thì chúng theo thôi. Hơn hết là cha mẹ phải làm gương. Bảo con ăn uống tiết kiệm mà mình mang tiền đánh đề hoặc nhậu nhẹt, đi spa… thì làm sao chúng nghe được”. Quả vậy, giáo dục phải bắt nguồn từ gia đình, kể cả thói quen tiết kiệm và lối sống giản dị.