Hiện nay, nhiều phụ huynh ngoài việc quan tâm đến các vấn đề chăm sóc bà bầu, thai nhi, trẻ em… thì việc chọn tên cho bé cũng là đề tài được quan tâm đến rất nhiều.
Đặt tên theo phong thủy, ngũ hành
Tôi tới thăm bà chị họ vừa sinh cháu đầu lòng được một tháng. Sau một hồi hỏi han đủ thứ, cuối cùng sực nhớ ra chưa biết tên cháu, chị vui vẻ, cháu tên Hoàng Ngân Khánh. Tôi mau miệng: “A, tên một diễn viên, ca sĩ”. Bà chị họ nhăn mặt: “Cô chẳng biết gì cả, tên cháu là anh chị coi thầy cẩn thận đó, chứ có phải đâu thích lấy tên ca sĩ, diễn viên là được”.
Chị giảng giải: “Thầy bảo, phải đọc 5-6 quyển sách mới chọn được cái tên này. Tên của cháu có: Hành của họ tên cháu là Thủy (Giang), hành của tên đệm là Kim (Ngân), Hành của tên là Thủy (Khánh). Theo thứ tự từ họ, tên đệm đến tên, kim sinh thủy tức là tương sinh. Rồi cháu sinh năm 2011 (Tân Mão) – hành của tên cháu là Thủy (Khánh); hành của bản mệnh là mộc (Tân Mão), hành của tên tương sinh cho hành của bản mệnh. Thủy sinh mộc nghĩa là rất tốt”.
Rồi chị thao thao về quan hệ giữa hành của bố mẹ với hành của con tương sinh, coi quẻ tên trong kinh dịch là quẻ cát với sự hào hứng thấy rõ. Nhưng với người vốn hiểu biết về phong thủy, ngũ hành lơ mơ như tôi thì những lời vàng, ý ngọc của thầy khiến tôi hoa mắt, chóng mặt.
Chị kết luận: “Đây là một cái tên được coi rất kỹ, lựa chọn rất công phu dựa trên phong thủy, ngũ hành cẩn thận chứ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên”.
Để chứng minh cho sự quan trọng của cái tên bé, chị kể chuyện một đồng nghiệp của chị sinh bé đầu lòng cách đây 6 tháng. Hai vợ chồng ngày nào cũng lướt wed coi đặt tên con, còn mua cả quyển từ điển Hán – Việt về tra. Nhưng tới gần ngày sinh vẫn chưa tìm được tên con. Đến lúc vợ sinh ở viện, cô y tá hỏi tên cháu vừa lúc có nam bác sĩ trẻ đi qua anh nhìn thấy bảng tên của bác sĩ Hữu Tâm thấy cũng hay. Anh liền đặt con trai là Hữu Tâm.
Nhưng từ khi sinh ra thằng nhỏ nó khóc suốt đêm, ốm đau luôn. Hai vợ chồng chị ấy đi coi thầy, thầy phán đặt tên như vậy khắc bố khắc mẹ không hợp năm sinh thì khó nuôi là phải. Rồi thầy đổi tên là… Hữu Tiến. “Trộm vía ! Thằng nhỏ đỡ khóc hẳn, giờ bụ mà ngoan lắm”, chị nói.
Hụt hơi vì những cái tên quá… công phu
Trước kia đi học thường hay gặp những tên bi hài do có phần ngẫu hứng và dễ dãi của các bậc phụ huynh. Ví dụ gặp tên Thêm (biết ngay là con út), thậm chí có bạn vì mẹ đã sinh đến con thứ 4, nên bà nội đặt tên là Ngừng. Khiến từ khi đi học cấp I đến khi học đại học không ít lần bạn gái này phải rơi nước mắt vì cái tên của mình. Đó là nói đơn giản chưa nói đến những cái tên dữ dội như: Nguyễn Thương Hằng Mong Nhớ, Ngô Thị Bạc Phận, Trần Đại Phá, Trần Lừa Trường Hận, Nguyễn Thị Bỏ, Lê Bội Phản, Vũ Loạn Lạc, Vũ Thị Lạc, Vũ Lang Thang… Những cái tên “dữ dội” đó đã gây không ít phiền phức cho người mang nó, có nhiều người phải bỏ học, đi xin việc bị loại hồ sơ cũng là vì cái tên.
Ngày nay việc quá chú trọng vào cái tên cũng có nhiều chuyện bi hài. Cái tên ngoài việc thể hiện tình yêu thương với con cái, còn là gửi gắm những niềm mong đợi, hi vọng, ước mơ của cha mẹ đối với con yêu.
Chị Ng. T. T (công ty FPT) bức xúc kể: “Ngay từ hồi biết mang bầu con trai hai vợ chồng bàn đã bàn đặt tên con là Hoàng Khánh Hà (ghép quê của mẹ là Khánh Hòa và quê bố là Hà Nội). Nhưng ông nội của chồng mình có am hiểu chút ít về chữ nho, phong thủy tra cả gia phả họ nội, họ ngoại ra kiên quyết phải đặt tên cháu là Hoàng Bảo Ngọc (ngọc quý của họ Hoàng). Mình thì không thích tên đó, thứ nhất nhiều người tên Bảo Ngọc, Bảo Châu quá. Hơn nữa, với cái tên kêu như chuông như vậy đi học, đi thi thế nào cũng bị soi khổ con mình”. Nhưng để giữ hòa khí gia đình, chị vẫn phải nghe theo mặc dù trong bụng có phần ấm ức.
Một cô giáo ở một trường mầm non cho biết, nhiều gia đình đặt tên cho con cầu kỳ quá. Tên dài đến 4-5 chữ Hoàng Gia Minh Quang, Nguyễn Bùi Mai Ái Lâm, Phan Như Trang Đài, Hoàng Đoan Trần Khánh Vi. Đánh vần được cái tên hết cả bảng… chữ cái, đọc nếu không lấy hơi dài sẽ bị hụt hơi, nhiều khi có cái gì cần phải kê khai, đăng ký thì phần chừa để viết tên thường không đủ. Hoặc tên quá trúc trắc không khởi động miệng trước khi đọc thì rất dễ méo miệng: Khiết Lam, Nguyệt Diễm, Tuệ Khởi.
Một chị làm ở trạm y tế xã thì cho biết, bây giờ nhiều gia đình rất thích đặt tên Anh (tinh anh, nhanh nhẹn) lên nhiều khi đọc tên trẻ đi tiêm phòng trong danh sách có đến mười mấy cháu tên Anh: Gia Anh, Hùng Anh, Hoàng Anh, Tuấn Anh, Việt Anh, Bảo Anh, Diệp Anh, Kiều Anh, Trâm Anh, Thục Anh. Riêng bản thân tôi thì quen biết gần chục gia đình có cháu bé tên đệm Gia: Gia Bảo, Gia Phát, Gia Hân, Gia Minh, Gia Huy…Với sự kiện GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields năm 2010, dự đoán 5 năm nữa sẽ có hàng ngàn cháu mang tên Bảo Châu vào học lớp 1.
Xã hội càng phát triển, cái tên ngày càng được coi trọng, việc đặt cho con cái một cái tên đẹp nhiều ý nghĩa chẳng những thể hiện tình yêu thương của cha mẹ còn tạo cho bé sự tự tin và hòa nhập với cuộc sống sau này. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần biết cái tên chỉ là một sự quy ước phổ thông để phân biệt người này với người khác, nó không liên quan gì đến phẩm chất của con người. Vì vậy, việc quá tham vọng, quá cầu toàn trong việc đặt tên con đôi khi gây phiền phức cho người mang tên và cho cả người khác. Đó cùng là điều nên tránh.
Đoàn đã bình luận
Mình sinh năm 1970, vợ mình sinh năm 1976, thang 07 này minh sinh bé gái, mình định dặt tên bé là” bảo trân, hoặc: kim ngân”.
MYC tư vấn cho mình 2 tên ấy có phù hợp không, hoặc tên nào khác đặt cho bé phù hợp vói tuổi của mình và vợ minh.
Xin cám ơn MYC !