Đồ chơi dùng lâu ngày sẽ bị bẩn vì nhiều nguyên nhân: mồ hôi, bụi, nước bọt… Nếu không thường xuyên vệ sinh sạch sẽ thì chúng sẽ trở thành nguyên nhân gây ra nhiều bệnh cho bé. Chúng ta nên vệ sinh đồ chơi của bé như thế nào?
Nhiễm bệnh từ đồ chơi bẩn
Khi chơi đồ chơi, bé thường cho lên miệng ngậm rồi lại thả xuống đất, hoặc quăng vứt vào một góc nào đó… sau đó bé lại tiếp tục được chơi đồ chơi ấy. Ngay việc đó thôi cũng khiến bé có thể nuốt vào bụng vô số trứng giun và vi khuẩn tử ngoài môi trường mà bản thân bạn cũng không hề biết, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như giun sán, đau bụng, tiêu chảy…
Những đồ chơi của bé lâu ngày không được cọ rửa, vệ sinh thường xuyên trở nên cáu bẩn. Đồ chơi của bé bị nhiễm bẩn có thể có chứa trùng roi thìa. Khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc cầm đồ chơi bẩn sau đó cho tay lên miệng vô tình bé đã bị trùng roi thìa xâm nhập. Trùng roi thìa thường bám chặt vào niêm mạc ruột và luôn luôn hoạt động, thay đổi vị trí nên thường xuyên kích thích các đầu mút thần kinh ở ruột. Hậu quả dẫn đến tình trạng rối loạn tiết dịch, rối loạn nhu động ruột và dẫn đến viêm ruột. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường thấy đau bụng, đi tiêu chảy, đôi khi xen kẽ bị táo bón… Trường hợp nặng có thể thấy phân có chất nhầy lẫn máu. Do bị viêm ruột và do số lượng trùng roi thìa rất lớn, có thể có hàng triệu trùng roi thìa trên 1cm2 diện tích niêm mạc ruột nên chúng phủ kín niêm mạc ruột, ngăn cản sự hấp thu các chất dinh dưỡng ở ruột. Sự hấp thu chất mỡ, các loại vitamin A, D, E, K… hòa tan trong mỡ cần thiết cho sự phát triển hệ cơ, xương ở cơ thể trẻ em bị hạn chế. Hậu quả dẫn đến trẻ em bị suy dinh dưỡng, còi cọc, gây sút cân, đau bụng, đi tiêu chảy có tính chất chu kỳ, phân có mỡ… Ngoài ra, các sản phẩm chuyển hóa của trùng roi thìa có tác dụng độc đối với hệ thần kinh, gây nên mất ngủ, biếng ăn ở trẻ em. Đôi khi trùng roi thìa còn gây ra bệnh lý viêm đường dẫn mật và túi mật.
Phải vệ sinh đồ chơi cho bé như thế nào?
Cách tốt để giữ sức khỏe bé yêu là cho bé chơi những đồ chơi hợp vệ sinh. Nhưng vệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho các bé cũng không phải là điều dễ dàng nếu bạn không biết cách.
Bạn cho đồ chơi muốn làm sạch vào nước xà phòng và ngâm trong khoảng 5 phút. Bạn có thể dùng xà phòng hoặc nước rửa chén bát. Đồ chơi sau khi được ngâm nước xà phòng thì cần phải chà xát lại cho hết nhữngbụi bẩn cả trên bề mặt và bên trong. Tiếp theo, bạn phải giũ sạch nước xà phòng.
Chuẩn bị hỗn hợp nước khử trùng gồm thuốc tẩy clo và nước. Hòa thuốc tẩy trùng vào nước sạch. Thuốc tẩy hòa tan được xem là an toàn trong việc làm sạch đồ chơi trẻ em vì loại nước này có chứa clo bốc hơi nhanh chóng. Bạn ngâm đồ chơi vào nước có thuốc tẩy, sau đó giũ sạch và sấy khô.
Ngâm những đồ chơi của trẻ trong dung dịch khử trùng một khoảng thời gian từ 2 đến 5 phút. Quá ít thời gian sẽ không giết được tối đa lượng vi trùng và thời gian quá nhiều có thể ảnh hưởng đến chất liệu của đồ chơi.
Rửa sạch đồ chơi cho trẻ sơ sinh sau khi ngâm không quá 5 phút, rồi đặt phơi khô chúng ở chỗ có không khí khô ráo.
Đồ chơi bằng gỗ không nên ngâm nước quá lâu bởi lẽ gỗ ngâm nước dễ mủn và nhanh hỏng. Không những vậy, đồ chơi gỗ ngâm nước cũng không tốt cho sức khỏe bé yêu.
Đồ chơi trong các cửa hàng cũng không đảm bảo vệ sinh nên khi mang về cho bé chơi bạn cũng cần làm sạch và khử trùng trước.
Những đồ chơi cho bé ngậm ví dụ ti giả, đồ ngậm cho bé ngứa lợi… bạn lại càng nên giữ vệ sinh cẩn thận. Bất kỳ lúc nào đồ chơi rơi xuống đất, bạn cũng cần tiệt trùng bằng nước sôi trước khi đưa trở lại vào miệng của bé.
Lưu ý
Khi mua đồ chơi cho bé, bạn nên chọn mua những món đồ có thể giặt rửa dễ dàng, hạn chế mua những loại bằng xốp, nhồi bông và loại đồ chơi khó làm sạch. Nếu đồ chơi đã bị bé vứt lung tung dưới đất, không nên cho bé chơi lại trước khi bạn vệ sinh sạch đồ chơi đó.
Sau khi cho bé chơi đồ chơi, hãy vệ sinh sạch sẽ tay cho bé. Rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn là điều cần thiết để loại bỏ những vi khuẩn gây cảm lạnh, cúm, tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác ở bé. Hãy chắc chắn rằng đôi tay của bạn được rửa thường xuyên và lau khô đúng cách.
Ở các trường mầm non, mẫu giáo, giáo viên nên thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ. Vì rất có thể bé sẽ mắc bệnh do chơi chung đồ chơi với những bé bị ốm.