Hỏi: Bé nhà tôi 29 tháng tuổi, đang còn bú đêm (bú bình). Mỗi đêm phải cho bé bú khoảng 3 bình (12g đêm, 1g sáng, 5g sáng), có hôm 4 bình. Nếu không cho bú, bé la khóc rất nhiều.
Trả lời: Bé nhà chị có được theo dõi sức khỏe thường xuyên ở nơi một cơ quan y tế nào không. Những bệnh viện, trung tâm y tế uy tín luôn có bác sĩ, chuyên viên dinh dưỡng hướng dẫn chị nuôi dưỡng bé phát triển đúng hướng.
Ở độ tuổi này chắc bé đã mọc đủ 20 răng sữa. Tuy là răng sữa nhưng trẻ tuổi này có nhu cầu ăn đặc với những thức ăn nhai được hơn là bú, uống sữa. Thường sau 12 tháng cũng chỉ cần cho bé uống khoảng 2-3 bình hay ly chừng 200 ml/ngày.
Thói quen cho bú đêm chỉ hợp lý trong thời gian mấy tháng đầu sau sinh, khi bé chưa phân biệt rõ ngày và đêm. Trường hợp mẹ có đủ sữa cho con bú thì mẹ có thể dỗ trẻ theo cách đó là tiện nhất.
Việc cho bé bú bình ban đêm, không “tráng miệng” với nước lọc sau cữ bú, sẽ làm răng bé dễ bị sún; mẹ thì phải thức dậy, pha sữa, không ngủ được yên giấc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong quá trình nuôi, dạy bé, việc đầu tiên khi muốn “cai sữa ban đêm”, là tập cho bé ngủ nôi hay giường riêng, đặt cùng phòng với bố mẹ, dỗ cho bé ngủ, bé sẽ biết bố, mẹ không ở xa, nếu bé thức dậy ban đêm cũng không sợ hãi.
Trẻ lên 2 tuổi, đang tự khẳng định mình, thích tự làm được nhiều thứ, tuy nhiên cũng cần mẹ, hay người lớn giúp đỡ. Chị chỉ nên “chiều” bé ở mức nào đó, không phải lúc nào bé muốn gì và la khóc to là sẽ được đáp ứng. Nên tập cho bé ăn, ngủ, tắm rửa đúng giờ, thành nếp và có thói quen tốt.
Các bữa ăn của bé gồm những thức ăn đặc cân đối về dinh dưỡng.
Dưỡng chất cân bằng cho bé trong một ngày như sau:
Protein: 16g, tương đương 200-400ml sữa đi kèm với 30g thịt. Chất béo: bé 2 – 3 tuổi cần khoảng 30% chất béo trong tổng số năng lượng nạp vào cơ thể bé mỗi ngày, có đủ dầu, mỡ cho các bữa ăn, và đặc biệt vào bữa ăn cuối, mới ngủ thẳng giấc, không thức dậy. Vitamin C: khoảng 40mg; Vitamin A: 400mg, tương đương 4 phần hoa quả và rau xanh mỗi ngày. Canxi: 200-800mg, khoảng 2 ly sữa mỗi ngày. Ngoài ra, cho bé ăn thêm 1 hộp sữa chua (trên 100 ml mỗi ngày). Chất sắt: 10mg; Chất kẽm: 10mg (thực phẩm giàu sắt và kẽm là thịt, trứng, thủy hải sản).
Vào buổi chiều 2-3 g: có thể cho bé ăn một trong những món như: 1 chén cháo hoặc 1 cái bánh ngọt nhỏ; sữa (khoảng 200ml)… Ngoài ra, cho ăn thêm các loại hoa quả tươi hoặc uống nước hoa quả tươi.
Cần quan tâm nhiều hơn đến bữa cuối trong ngày của bé, khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ để giúp bé no lâu cho tới lúc thức dậy sáng sớm. Chị cũng có thể dỗ bé nín bằng cách vỗ về, cho uống chút nước, đừng pha sữa, bé ngủ lại là do khát nước chứ không phải đói… sữa.
Vào bữa tối: nên chọn cơm nát làm thực đơn chính cho bé (giai đoạn này, bé có thể ăn được cơm nát cho những bữa chính đồng thời ăn cháo trong những bữa phụ). Cơm nát (khoảng 1,5 lưng bát ăn cơm), ăn kèm các loại đậu phụ, thịt, trứng, cá và các loại rau, củ khác, tương tự với thực đơn của người lớn nhưng số lượng ít hơn. Khoảng 8g tối: có thể cho bé ăn thêm 1 bát cháo nhỏ, sữa (khoảng 200ml); sữa chua (1 hộp), bánh ngọt…
Chị cũng nên tập cho bé thói quen đánh răng để bảo vệ răng miệng.
Theo BS Nguyễn Lân Đính – Chuyên viên dinh dưỡng