Trong giai đoạn từ 3 – 6 tuổi, trẻ em bắt đầu có khả năng và nhu cầu lớn tìm hiểu và nâng cao kiến thức về cuộc sống xung quanh. Việc lựa chọn những trò chơi bổ ích, hợp lý sẽ giúp trẻ có điều kiện tốt nhất để phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các trò chơi rèn luyện hệ thống giác quan
Nhận biết bảng màu
– Chuẩn bị: Sáu mảng màu có độ đậm nhạt khác nhau
– Cách chơi: Cho trẻ quan sát bảng màu, xem có những màu gì.
Hướng dẫn trẻ quan sát sự đậm nhạt của bảng màu, tìm ra màu nào đậm nhất, màu nào nhạt nhất
Hướng dẫn trẻ sắp xếp bảng màu theo chiều từ đậm đến nhạt và ngược lại.
– Mục đích: Trò chơi đơn giản, nhưng có thể giúp trẻ tăng cường khả năng thị giác, không chỉ dừng lại ở khả năng nhận biết được màu sắc mà còn phân biệt được mức độ đậm nhạt của màu sắc.
Nhận biết và phân biệt loài vật
– Chuẩn bị: Tranh vẽ các loài vật chia theo nhóm có tính chất giống nhau như: gà và vịt, trâu và bò…
– Cách thực hiện: Cho trẻ xem lần lượt các bức tranh vẽ các con vật. Giải thích cho trẻ hiểu những điểm giống và khác nhau giữa các con vật
– Mục đích: Trẻ có thể phân biệt được sự giống và khác nhau giữa các loại động vật thông qua quan sát.
Tìm ra điểm khác nhau
– Chuẩn bị: Hai cái đĩa có hình dạng, kích cỡ, màu sắc, hoa văn có những điểm giống và khác nhau.
– Cách chơi: Cho trẻ quan sát hai cái đĩa. Sau đó, bạn hãy cùng trẻ so sánh tỉ mỉ từng điểm khác nhau giữa hai cái đĩa. Khuyến khích trẻ nói lên những sự khác nhau mà bạn và trẻ vừa tìm ra (có thể là về kích cỡ, màu sắc, hoa văn trang trí…).
– Mục đích: Tăng cường khả năng quan sát, óc phán đoán và nhận biết của trẻ.
Những trò chơi phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo
Trò chơi siêu nhân
– Chuẩn bị: 4 – 5 siêu nhân (bạn có thể cắt giấy, vẽ hình siêu nhân hoặc các mô hình siêu nhân có sẵn).
– Cách chơi: Bạn hãy gắn lên mỗi siêu nhân một con số hoặc một chữ cái và quy định đó là những mật mã tên của siêu nhân. Cùng trẻ đọc to và yêu cầu trẻ ghi nhớ tên của từng siêu nhân. Lúc này, bài học chữ cái chuyển thành trò chơi siêu nhân thú vị.
– Mục đích: Trò chơi này sẽ giúp trẻ tập trung tốt hơn, nhận mặt chữ cái và ghi nhớ chữ cái tốt hơn so với phương pháp chỉ từng chữ cái cho trẻ học thuộc.
Phân chia đồ vật theo nhóm
– Chuẩn bị: Nhiều đồ vật, đồ dùng quen thuộc và chia theo cụm, theo nhóm: 10 chiếc bút chì, 6 đôi tất, 4 quyển sách…có màu sắc, hình dạng giống và khác nhau.
– Cách chơi: Bạn hãy cùng trẻ phân loại các món đồ theo cùng chủng loại, rồi theo hình dạng. Vừa chơi vừa đếm.
– Mục đích: Tăng cường khả năng nhận biết, sáng tạo và học đếm số cho trẻ.
Những trò chơi tập thể
Bịt mắt bắt dê: Hãy chọn một không gian sạch sẽ, an toàn, không có vật cản và tổ chức cho các trẻ chơi cùng nhau. Luật chơi đơn giản: cho các trẻ cùng oẳn tù tì, ai thua sẽ phải bịt mắt lại và đuổi bắt các bạn.
Nu na nu nống: Trò này rất đơn giản vì bạn chỉ cần chọn một không gian sạch sẽ và yên tĩnh để trẻ ngồi là được. Bạn nên dạy các trẻ bài đồng ca “nu na nu nống” rồi để các trẻ tự chơi với nhau.
Chơi đồ hàng: Một không gian rộng để các trẻ bày đồ chơi và đi lại thoải mái là cần thiết khi bạn tổ chức cho các bé chơi đồ hàng. Trong không gian ấy, các trẻ sẽ đóng vai diễn viên, ca sĩ…, những người lớn thân thuộc với trẻ như: bố, mẹ, ông, bà… hay các vai nghề nghiệp bác sĩ, cô giáo, người bán hàng, người mua hàng…
Tìm báu vật: Bạn hãy cất giấu trong phòng các đồ vật nhỏ như: gấu bông, bóng, ô tô… rồi tổ chức cho các trẻ đi tìm xem ai tìm được nhiều đồ vật nhất. Người thắng cuộc sẽ được thưởng.
Mục đích: Những trò chơi dân gian này sẽ giúp trẻ hiểu được người khác, gần gũi, thân thiện với môi trường xung quanh. Khả năng giao tiếp của trẻ cũng được tăng cường, trẻ sẽ biết tôn trọng, chia sẻ, nhường nhịn người khác thông qua các trò chơi.
Các bậc cha mẹ nên chọn cho trẻ những trò chơi phù hợp với sở thích, lứa tuổi và giới tính của trẻ. Bạn có thể cho trẻ chơi lại các trò chơi mà trẻ đã được chơi ở giai đoạn 1 – 3 tuổi, nhưng cần chú ý tăng dần về độ khó và phức tạp của trò chơi để không làm trẻ nhàm chán và kích thích sự phát triển toàn diện cho trẻ.