Hỏi: Tôi nghe nói nhiều đến bệnh tăng huyết áp ở người già. Vậy xin hỏi có khi nào trẻ em bị tăng huyết áp không? Nếu bị có nguy hiểm không?
Trả lời: Tăng huyết áp là trường hợp huyết áp động mạch tăng trên chỉ số bình thường, cả chỉ số tối đa và tối thiểu. Tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em thường được chẩn đoán ở một số bệnh như viêm cầu thận, cường giáp trạng… Song đa số trường hợp tăng huyết áp trẻ em được phát hiện muộn khi có biến chứng về tim mạch hay thần kinh.
Nguyên nhân: Tại thận là phổ biến nhất: viêm cầu thận cấp, mạn, suy thận, dị dạng mạch máu ở cuống thận, cầu thận, u thận, hội chứng Cushing, rối loạn chức năng thận, cường giáp trạng, u não, ngộ độc chì, thủy ngân… Triệu chứng sớm của tăng huyết áp là đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nhìn mờ, chảy máu cam, gầy, uống nhiều… Nếu nghĩ tới đo huyết áp thì chẩn đoán được.
Biến chứng tim mạch đó là suy tim và phù phổi cấp. Chụp Xquang và điện tâm đồ thấy tim trái to. Lưu ý trong giai đoạn suy tim nặng có khi huyết áp hạ, triệu chứng huyết áp cao chỉ thể hiện khi đã điều trị suy tim.
Biến chứng thần kinh do phù não hay chảy máu não. Biểu hiện trẻ co giật, hôn mê, liệt nửa người, giảm thị lực, mù. Soi đáy mắt thấy phù gai mắt hoặc chảy máu võng mạc.
Cách đo huyết áp đúng ở trẻ em: Đo ở tư thế nằm yên tĩnh, không khóc. Chọn băng huyết áp phù hợp với tuổi của trẻ: chiều rộng băng bằng 2/3 cánh tay; chiều dài vòng hết cánh tay thêm 1/5 vòng cánh tay.