Con trẻ tự giác học tập là mong muốn và cũng là mối trăn trở của nhiều phụ huynh có con đang ở tuổi đi học. Thật may mắn cho những phụ huynh có con ý thức được trách nhiệm và say mê học tập. Những bậc phụ huynh khác thì phải làm sao đây?
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ ham chơi không tự giác học tập mà cha mẹ cần phải chú ý là trẻ do còn nhỏ, khả năng tự kiểm soát bản thân của trẻ chưa cao và dễ phân tán bởi nhiều hoạt động khác nhau. Học tập là một nhiệm vụ quan trọng, không kém phần nặng nề với trẻ hơn nữa trẻ chưa ý thức được hết tầm quan trọng của hoạt động này. Trong khi đó vui chơi là hoạt động khiến chúng vui vẻ, thoải mái, hứng thú thì giữa việc học tập và hoạt động vui chơi trẻ chọn và muốn dành nhiều hơn cho hoạt động vui chơi là điều dễ hiểu.
Vậy cha mẹ có thể làm gì để giúp trẻ kiểm soát bản thân tốt hơn? Học tập cũng như vui chơi đều hợp lý hơn?
Giúp trẻ định ra một thời gian biểu
Định ra một thời gian biểu là giúp trẻ uốn nắn, sửa đổi hành vi một cách có hiệu quả. Như có thể định ra chế độ: chỉ khi nào trẻ hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị đầy đủ bài cho ngày hôm sau thì trẻ mới được xem tivi hoặc chơi những trò chơi mà trẻ yêu thích. Hoặc là từ giờ nào đến giờ nào là giờ học bài, từ giờ nào đến giờ nào là giờ chơi… sau khi đã định ra chế độ đó thì phải thực hiện triệt để. Để làm được điều này cha mẹ cần chú ý một số điểm:
– Khi mới bắt đầu thực hiện thời gian biểu không nên yêu cầu trẻ quá cao mà có thể bắt đầu từng bước một.
– Cần chăm chú đôn đốc, kiểm tra con.
– Đánh giá những hoạt động của trẻ. Tốt nhất là mỗi tuần cha mẹ nên kiểm tra đánh giá con một lần, nếu trẻ thực hiện tốt có thể có những phần thưởng nho nhỏ cho trẻ như có thể cho trẻ đi xem phim, đi chơi công viên vào dịp cuối tuần.
Không nên nóng vội
Giúp trẻ khắc phục một thói quen xấu không phải là việc dễ dàng, vì vậy các bậc cha mẹ không được nóng vội sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Cha mẹ nhất định phải kiên trì, nhẫn nại, tuyệt đối không được đánh mắng trẻ.
Không ngừng kích thích những mặt tích cực của trẻ
Cha mẹ không nên chỉ nhắm vào những điểm tiêu cực của trẻ mà tích cực phát hiện ra những ưu điểm, những tiến bộ của trẻ. Dành cho trẻ sự khen ngợi kịp thời, chân thành và luôn tìm cách trở thành một người bạn của trẻ, như vậy trẻ sẽ tích cực thay đổi những hành vi không tốt của mình.
Nêu gương
Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện về sự phấn đấu không mệt mỏi và lòng hiếu học của những nhà khoa học hiện đại hoặc cổ xưa để trẻ lấy đó là tấm gương sáng để trẻ học tập và noi theo. Hoặc có thể lấy những tấm gương mà các bạn học của trẻ hay người thành công nào đó để trẻ biết để khích lệ trẻ, điều đó rất có tác dụng thuyết phục trẻ.
Bản thân cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực trong cả lời nói lẫn việc làm của mình. Bởi rất nhiều hành vi của trẻ có là do trẻ học từ cha mẹ. Bố mẹ say mê nghiên cứu, làm việc nghiêm túc ít nhiều ảnh hưởng đến con. Chẳng hạn như mỗi buổi tối khi con học bài cha mẹ ngồi làm việc hay đọc sách một cách nghiêm túc trẻ sẽ thấy được điều đó và dần dần hình thành thói quen tự giác học tập mà không cần phải nhắc.