“Gieo thói quen, gặt tính cách” – Đó là chân lý tuyệt đối trong cuộc sống. Cha mẹ hãy tạo cho con thói quen sắp xếp đồ đạc của bé một cách gọn gàng càng sớm càng tốt. Đó cũng là cách để trẻ có trách nhiệm hơn với bản thân và những gì có ở xung quanh trẻ.
Sự lộn xộn thường thấy
Phòng của bé Hin ngổn ngang như bãi chiến trường. Có khi sách vở nằm trên giường, còn quần áo lại chui tọt xuống gầm tủ.
Dù mẹ đã thường xuyên nhắc nhở nhưng Hin vẫn chẳng bao giờ chịu nghe lời. Cứ mỗi buổi sáng chuẩn bị đi học, Hin lại cuống cuồng tìm các đồ vật nên hầu như toàn bị muộn học.
Có hôm, bé Hin quyết tâm dọn dẹp đồ đạc cho gọn gàng nhưng chẳng thấy bố mẹ khen hay chê gì cả.
Đến buổi tối ngồi học bài, Hin tìm mãi không thấy quyển vở bài tập đâu. Ngồi lục lọi một hồi, bé mới nhớ ra là mình đã cho hết sách vở vào hết một cái thùng to cho gọn. Thế là Hin lại phải đổ hết cả chiếc thùng đó ra để tìm lại quyển vở bài tập.
Lúc này, Hin mới “thấm” lời mẹ dặn hàng ngày. Để phòng luôn gọn gàng và sạch sẽ, phải cất đồ dùng vào đúng nơi quy định. Không nên đổ dồn đồ đạc vào một chỗ là xong. Hàng ngày chỉ cần 5 phút để dọn đồ vào đúng chỗ của nó, sẽ rất dễ dàng mỗi khi tìm đồ vật.
Rèn luyện cho trẻ ngay từ nhỏ!
Ngay nhỏ, bố mẹ hãy tạo thói quen sắp xếp đồ chơi và đồ dùng cho bé vào đúng nơi quy định. Chỉ cần 5 phút một ngày để dọn dẹp khiến phòng của bé và căn nhà thật gọn gàng!
Bố mẹ có thể quy định chỗ cất đồ chơi và cất đồ dùng của bé. Hãy giúp trẻ dễ dàng nhận biết được những đồ chơi khác nhau nằm ở đâu. Ví dụ đồ chơi đồ hàng sẽ được cất gọn ở trong thùng. Các con gấu bông sẽ nằm gọn trên giường.
Quần áo sẽ cất vào những ngăn tủ nào… Bố mẹ hãy tạo ra một nơi cất đồ chơi, đồ dùng mà bé có thể dễ dàng với tới và cất đồ đi.
Nếu bé không thể dọn dẹp đồ chơi, đồ dùng vào đúng những chỗ mà bố mẹ đã quy định, bố mẹ cũng đừng băn khoăn gì nhé! Vì ít nhất, bố mẹ đã rèn cho con bắt đầu học được tính tự lập và biết dọn dẹp đồ dùng ngăn nắp.
Để thuyết phục bé tự mình cất đồ chơi, rất nhiều bố mẹ đã chia sẻ với chúng tôi rằng: Hãy đánh vào tính “kinh tế” của bé! Bố mẹ hãy giải thích với con rằng, nếu con cất đồ chơi vào đúng chỗ quy định, đồ chơi sẽ không bị hỏng, bị vỡ hoặc bị mất. Con cất quần áo vào tủ sẽ không bị bẩn, bị gián bay vào. Hơn nữa, việc dọn dẹp đồ dùng sẽ tạo cho bé thêm những hoạt động mới và rèn luyện thể lực.
Bố mẹ cũng phải quen với thực tế rằng bé có thể bày hết tất cả đồ chơi mình có ra và chơi mỗi chỗ một tí. Bố mẹ đừng nên hy vọng rằng con sẽ ngay lập tức răm rắp sắp xếp đồ đạc một cách gọn gàng ngăn nắp. Vì bé chưa có ý thức và thói quen tự giác giống người lớn. Để dần dần rèn bé vào thói quen, bố mẹ cũng phải có tính kiên nhẫn và kiên trì nhắc nhở bé cất đồ chơi sau mỗi lần chơi.
Bố mẹ cũng phải trở thành một tấm gương tích cực. Hãy luôn luôn vui cười để thể hiện rằng dọn dẹp đồ chơi và đồ của bé là một việc rất đơn giản và nên làm hàng ngày.
Có thể giúp bé chia nhỏ các phần việc để bé cảm thấy việc sắp xếp đồ đạc chẳng có gì là to tát. Ví dụ, trước hết là phải gấp quần áo, sau đó mới cất vào tủ. Bố mẹ hãy cùng làm với bé từng thứ một và nghỉ một chút để ghi nhận những việc đã làm xong.
Không quên khen bé khi bé làm xong một công việc như: con làm nhanh thật đấy. Con sắp xếp gọn gàng như một chuyên gia.
Chắc chắn, việc tự sắp xếp đồ gọn gàng với bé chẳng có gì là khó! Nó sẽ trở thành người bạn thân thiết của bé tới khi trưởng thành.