Ngày nay, do những tác động đa chiều đối với sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ mà sẽ có thể có những trẻ có biểu hiện lệch lạc về giới tính. Khi phát hiện ra điều này, các bậc phụ huynh cần có những hành xử hợp lý để không tác động xấu đến tâm lý của trẻ.
Cu Tâm đi học về vội vàng khoa với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con “rờ” được bạn Minh nhé!”.
Chị Lan Phương mới giật thót mình với những hành động không bình thường của cậu con trai. Lúc này chị mới “lục lại” những sở thích khác người của con mình như: thích chơi búp bê, thích mặc váy, ở trường hay ôm các bạn cùng giới…
Khi cha mẹ là người “tiếp tay”
Không thể kiềm chế được, chị Lan Phương đè con ra đánh một trận, tiếp đó là vứt tất cả quần áo con gái, búp bê và các đồ chơi dành cho con gái đi. Cũng từ đó, cu Tâm trở nên lầm lì, đến trường chỉ dám ngắm các bạn trai khác chơi đùa mà không dám lại gần. Thực tế cho thấy rất nhiều bậc phụ huynh sẽ phát hoảng khi rơi vào trường hợp của chị Lan Phương và chắc hẳn rất nhiều người sẽ đè con ra đánh nhằm giải tỏa bực tức, phần muốn “dạy” con một bài học. Nhưng nhiều phụ huynh không biết rằng, cách dạy con đó là cách xử sự tồi tệ nhất và có thể đẩy con cái dấn sâu vào sự lệch lạc về giới tính.
Còn với trường hợp của gia đình anh Chiến (Tây Hồ, Hà Nội) mới nực cười. Anh là con cả và là con trai duy nhất trong gia đình, việc dòng họ muốn có cháu đích tôn để nối dõi tông đường nhưng sinh lần thứ 3 vẫn là gái. Vì muốn có con trai nên anh Chiến “hô biến” cháu Na – 4 tuổi thành… “cu Na”. Cả gia đình chẳng ai gọi Na là bé Na mà thay bằng “cu Na”, “cu Na” được bố cắt đầu “cua”, mặc quần áo con trai, nên trông bé ra dáng một cậu bé thực thụ. Chính vì thế nên các bạn ở trường mẫu giáo cứ tưởng Na là con trai nên Na hay chơi với các bạn nam thay vì chơi với các bạn nữ, đến cả việc đi vệ sinh Na cũng bắt chước các bạn nam, thế nên lần nào cũng bị ướt hết quần. Cô giáo phát hiện ra những hành động không bình thường bèn nói chuyện với anh Chiến, nhưng anh xuề xòa bảo: “Ôi dào, có sao đâu, nó vẫn còn là con nít mà”.
Khác trường hợp nhà anh Chiến, Tùng – con trai chị Thanh Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) lại có những biểu hiện lệch lạc khi bước vào giai đoạn dậy thì. Một ngày, chị hốt hoảng khi thấy cậu con trai suốt ngày đứng soi gương, ngoài ra, mái tóc củn ngày xưa thay bằng mái tóc điệu đà hơn, mỹ phẩm thì gần như đủ cả như: kem rửa mặt, kem trị mụn, kem làm trắng da, và cả… son nữa. Ngay lập tức chị phán một câu: “Mày bị “ái” hả Tùng?”. Câu nói đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng của cậu bé đang học lớp 9, bước vào giai đoạn tuổi mới lớn. Chưa dừng lại ở đó, chị còn lôi sềnh sệch cháu đến phòng khám và miệng mếu máo: “Cháu nhà tôi bị “pê đê” phải không bác sĩ?” khiến con chị càng thêm tự ái, trầm cảm.
Trao đổi cùng chuyên gia
Việc phát hiện sớm trẻ có sự lệch lạc về giới tính là điều cần thiết để các bậc cha mẹ có sự can thiệp một cách đúng đắn, khoa học. Với những đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì, việc các cháu thần tượng một diễn viên, ca sĩ cũng là chuyện bình thường, đừng quá hốt hoảng khi bắt gặp chuyện này mà hãy hướng con đến những việc làm, vui chơi có ích cho sự phát triển hơn.
Trao đổi về vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện ngắn với PGS. TS. Văn Thị Kim Cúc, Giảng viên khoa Tâm lý học, ĐH KHXH và NV.
Thưa chuyên gia, trẻ có những biểu hiện như thế nào được xem là lệch lạc về giới tính?
Dưới 3 tuổi, ở trẻ chưa thể hiện rõ ràng xu hướng giới tính, do vậy, sẽ là bình thường nếu đôi khi trẻ bắt chước hành vi của cả 2 giới. Bắt đầu từ tuổi dậy thì (10 – 11 tuổi), trẻ được coi là lệch lạc giới tính khi không nhận ra một cách chính xác bản sắc giới tính của mình (không có cảm xúc là con gái hay là con trai), vì thế lúng túng trong việc ăn mặc, cư xử xã hội. Cũng có một số trẻ lệch lạc giới tính thể hiện ở chỗ có những cảm xúc xao xuyến với các bạn đồng giới và không có những cảm xúc tương tự với các bạn khác giới.
Những nguyên nhân nào có thể làm ảnh hưởng đến việc con cái lệch lạc giới tính?
Cho đến nay người ta mới có các giả thuyết về nguyên nhân như:
1. Nguyên nhân sinh học. Bẩm sinh, biến đổi hormone, nhiễm sắc thể, các cơ chế sinh hóa…
2. Giáo dục gia đình.
Vô tình hay cố ý hạ thấp giá trị giới tính của con.
Gia đình mong có con trai nên cho ăn mặc, cư xử với con gái như với con trai hoặc ngược lại.
Thiếu vắng hình ảnh người bố hoặc người mẹ.
Quá gần gũi với con.
Do cha mẹ vô tư, hay “sờ”, “nghịch” bộ phận sinh dục của con.
Chứng kiến cảnh bạo lực gia đình giữa bố và mẹ.
3. Nguyên nhân xã hội
Bị lạm dụng tình dục đồng giới.
Chứng kiến cảnh bạo hành giới.
Bị tạp nhiễm do môi trường.
4. Nguyên nhân cá nhân
Quá yêu bản thân hoặc quá coi thường bản thân.
Thiếu ý thức về bản thân, gia đình, xã hội.
Thiếu lý tưởng.
Thích sống hưởng thụ, đôi khi thích thác loạn, cảm xúc mạnh.
Như vậy, nếu cha mẹ phát hiện ra con cái của mình có những biểu hiện thì nên làm gì?
Nếu trẻ còn bé, nên nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời điều chỉnh cách thức ứng xử với trẻ, của trẻ cho phù hợp với giới mà trẻ có.
Với trẻ lớn hơn, không nên sốc khi phát hiện ra sự lệch lạc giới tính của trẻ mà nên bình tĩnh tìm cách gần gũi, trò chuyện với trẻ, bằng tình yêu thương chân thật, bố mẹ có thể giúp con nhận ra sự lệch lạc và từ đó con sẽ tự điều chỉnh.
Nên đưa con đi đến nhà tâm lý sớm nhất có thể.
Xin cảm ơn chuyên gia!