Gần đây, thời tiết ở các tỉnh phía Bắc thay đổi nhiều trong ngày: gần sáng và tối trời lạnh, buổi trưa nóng, kèm theo đó là những cơn mưa bất chợt. Những diễn biến thời tiết đó khiến trẻ dễ bị sốt, ho, chảy nước mũi… Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai số trẻ đến khám tăng gấp rưỡi.
Gần một tuần nay, chị Linh (Giáp Bát, Hà Nội) quay như chong chóng vì hết cậu con trai 2 tuổi ho, sốt, sổ mũi lại đến cô chị 4 tuổi cũng sụt sịt, may mà không sốt. Chị cho biết, khởi đầu là ông xã, tự nhiên sáng thức dậy thấy hắt hơi ầm nhà lên.
“Chồng mình bị viêm mũi dị ứng, người không khác gì cái máy dự báo thời tiết, nên cứ trở trời là y như rằng hắt hơi. Hai hôm sau thì đến lượt cậu con trai cũng ốm. Gia đình lo lắng vì uống thuốc lúc đầu thì đỡ, nhưng đến hôm sau lại sốt. May mà sau 3 ngày cháu không còn sốt, chỉ còn ho khan có đờm”, chị Linh cho biết.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biên độ nhiệt trong ngày thay đổi cao, trẻ chưa thích ứng kịp nên số trẻ đến khám có tăng hơn bình thường. Đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ diễn biến xấu nhanh, khó lường. Trẻ nhập viện trong thời gian này chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, sốt virus, đa phần nhẹ, chỉ có một số ít trẻ nặng hơn, bị biến chứng viêm phổi.
Theo bác sĩ, nhiều người căn cứ vào dấu hiệu trẻ bị ho, sốt để cho con đi khám. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh đây không phải là những dấu hiệu đặc hiệu. Có trẻ không sốt, ho những vẫn bị viêm phổi nặng. Với lứa tuổi này, nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc thấy con thở nhanh, thấy rõ hai cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do trẻ bị bệnh.
Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung uơng cũng cho biết, trong những năm đầu đời, cấu trúc giải phẫu, hệ miễn dịch trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện. Vì thế, sức đề kháng của trẻ yếu, dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp. Trẻ có tiền sử sinh non, bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con mắc bệnh. Nếu thấy trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều thì cần chú ý làm sạch đường thở. Không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, đặc biệt không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Khi trẻ sốt virus, không tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ.
Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, nếu sốt cao, co giật thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của sốt virus cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não, viêm não Nhật Bản… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, cần chú ý giữ ấm cho trẻ, gần sáng và đêm thì nên mặc quần áo ấm, tăng cường dinh dưỡng. Ngoài ra, cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh.