Nhiều người đã biết rằng nếu ăn nhiều mà hoạt động thể lực ít thì sẽ gây tăng cân do lượng calo cơ thể hấp thụ từ thức ăn vượt quá lượng calo cơ thể tiêu hao trong ngày và lượng calo thừa sẽ tích tụ dưới dạng mỡ thừa. Tuy nhiên, có một số người ăn uống rất điều độ mà vẫn bị tăng cân. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?
Ăn bữa tối muộn, quá no có thể gây tăng cân
Nói chung, cơ thể sử dụng các dưỡng chất có trong thức ăn vào hai mục đích: làm nguyên liệu để xây dựng, để tái tạo các tổ chức mô, tế bào và để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thực đơn của những con người năng động trong xã hội hiện đại thường chứa nhiều chất bột đường ở dạng tinh chế, dễ hấp thụ. Các chất này hấp thụ rất nhanh vào máu và gây tăng hàm lượng đường máu.
Nếu sau bữa ăn, chúng ta hoạt động, lao động tích cực thì hầu hết lượng đường (glucose) đó được các tế bào cơ bắp và tế bào não hấp thụ. Nhưng nếu sau bữa ăn chúng ta lại nghỉ ngơi thụ động (nằm ngủ, xem tivi) thì quá trình sẽ diễn ra hoàn toàn khác. Khi cơ thể nghỉ ngơi, đặc biệt là trong giấc ngủ, hệ thống cơ bắp cũng ở trạng thái thả lỏng và “ngủ”, nghĩa là lượng glucose sẽ đi về gan, tại đây dưới ảnh hưởng của các men chuyển hóa thành mỡ. Lượng mỡ được hình thành trong gan sẽ theo đường máu phân tán đến khắp cơ thể, tích tụ ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, có cả ở các cơ quan nội tạng, gây thừa cân, tăng mỡ máu và kèm theo đó là xuất hiện bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch…
Những người năng động trong xã hội hiện đại từ lâu đã không còn chú ý đến chế độ ăn của mình (hoặc do bận, hoặc do họ không có kiến thức). Buổi sáng ngủ dậy không muốn ăn, một số ăn qua loa, thậm chí không ăn gì, một số khác tỏ ra sành điệu thì ngồi nhâm nhi ly cà phê đặc hoặc hút thuốc ở quán với cái dạ dày trống rỗng. Ở nước ta, người ta gọi bữa sáng là ăn quà sáng – hiểu nôm na là bữa phụ. Chính điều này làm mọi người không để ý đến tầm quan trọng của nó.
Bữa trưa bận việc công sở, ngại đi ăn, hoặc ăn các thức ăn sẵn, tiện lợi (fast foods…) cho có bữa. Bữa tối, cảm thấy đói lả và họ ăn rất nhiều, tốt nhất trong ngày cũng được một bữa cho ra hồn (một số gia đình chỉ có bữa tối là quây quần nên thường tập trung nấu các món ngon). Còn một số quý ông thì rủ nhau đi ngồi quán bia, ăn uống cho xả láng để xả stress, họ không biết một lít bia chứa tới 300 – 400Kcal và được cơ thể hấp thụ rất nhanh vì là chất tinh bột đường. Ngạn ngữ có câu “Căng da bụng thì chùng da mắt”, sau khi ăn họ lăn ra ngủ say sưa. Họ không biết là khi họ ngủ thì ruột của họ cũng “ngủ”, thức ăn sẽ bị ứ ở hành tá tràng (đoạn sau tiếp với dạ dày). Ruột thì “ngủ” nhưng các cơ quan khác lại không ngủ. Túi mật, tuyến tụy nhận được lệnh (do thành dạ dày, hành tá tràng căng đầy phát ra tín hiệu) tiết ra dịch (mật), các men (tuyến tụy) để phân hủy các chất đạm, mỡ, bột đường). Dịch mật tiết ra nhưng lại bị ứ ở túi mật vì không được sử dụng do ruột đang nghỉ ngơi, gây cô đặc và dần chuyển thành sỏi. Các men được tiết ra từ tuyến tụy không được sử dụng đành phải quay ngược trở lại nơi sinh ra và bắt đầu tiêu hóa chính các mô của tuyến tụy. Kết quả tuyến tụy bị viêm, trong một số trường hợp bị hoại tử. Ngoài ra, thức ăn ứ ở ruột lâu thúc đẩy sự hoạt động của các vi khuẩn gây thối, các vi khuẩn này hoạt động, tiết ra các độc tố, kết hợp các chất độc hại tạo ra trong quá trình phân hủy thức ăn, các chất này thấm vào máu gây dị ứng, ngộ độc cho cơ thể.
Để cơ thể sử dụng các chất hiệu quả, chúng ta cần phải ăn uống điều độ, ba bữa chính trong một ngày, theo tỷ lệ: bữa sáng 25%, bữa trưa 35 – 40%, bữa phụ và bữa tối 20% tổng số calo trong khẩu phần ăn ngày. Khuyến cáo 70% năng lượng của khẩu phần ăn trong ngày phải được ăn trước 4 giờ chiều (khi chúng ta đang làm việc, lao động) để hầu hết lượng glucose trong khẩu phần ăn được cơ thể hấp thụ và đốt cháy mà không bị chuyển hóa thành mỡ.
Bữa tối nên ăn trước khi đi ngủ 2-3 giờ, sau khi ăn không nên ngồi xem ti vi mà nên làm các công việc trong nhà, đi dạo; trước khi đi ngủ không nên ăn các món có hàm lượng tinh bột cao, dễ tiêu như bánh, kẹo…
Bệnh suy tuyến giáp có thể là nguyên nhân tiềm ẩn
Bệnh này gặp phổ biến ở phụ nữ (nhiều hơn 5 lần so với nam giới). Vấn đề là ở chỗ, sự suy giảm chức năng tuyến giáp làm giảm tiết các hormon của nó (thyroxine – T3, triothyroxine – T4) dẫn đến giảm cường độ của các quá trình trao đổi chất trong cơ thể nói chung và trong hệ thống cơ bắp nói riêng, kìm hãm sự huy động mỡ trong việc cung cấp năng lượng dẫn đến sự tích lũy mỡ ở các tổ chức mô (dưới da, mạc treo, cơ quan nội tạng) gây tăng cân nếu vẫn duy trì chế độ ăn bình thường. Hiện tượng này cũng thường gặp ở những người sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Tóm lại, nguyên nhân gây tăng cân thường là chế độ ăn quá nhiều calo, nhiều chất mỡ, cuộc sống tĩnh tại, ít vận động, tuy nhiên ở một số người có thể còn các nguyên nhân khác liên quan đến thói quen ăn uống hoặc chức năng tuyến giáp.