Có khoảng 15% phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp và 25% trường hợp đẻ non là do tăng huyết áp ở sản phụ. Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng, trong đó tiền sản giật là nguy hiểm nhất, thậm chí cả tử vong cho mẹ và thai nhi.
Thế nào là tăng huyết áp khi mang thai?
Một phụ nữ bình thường khi mang thai có huyết áp bằng hoặc trên 140/90mm Hg được gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể do nguyên nhân độc lập với tình trạng mang thai hoặc nguyên nhân do thai. Tăng huyết áp có thể có sẵn trước lúc mang thai hoặc có sẵn và nặng thêm khi có thai, thậm chí chỉ xuất hiện khi có thai nếu đi kèm với phù và đạm niệu (có đạm trong nước tiểu) tạo nên một bệnh cảnh đặc biệt trong sản khoa gọi là hội chứng tiền sản giật – sản giật.
Những dấu hiệu của bệnh
Tiền sản giật rất nguy hiểm cho thai phụ. Nếu HA không được kiểm soát có thể đưa đến cơn sản giật – cơn co giật: ban đầu có thể là nhức đầu, sau đó cơn co giật cả người trong vài giây đến vài phút. Bệnh nhân lơ mơ trong cơn co giật rồi tỉnh lại một cách chậm chạp. Cơn co giật có thể xảy ra một lần hay nhiều lần liên tục nếu HA vẫn tăng cao. Càng co giật nhiều lần thì càng nguy hiểm cho mẹ và con. Những dấu hiệu cho thấy bệnh nặng là: nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải, tri giác tăng huyết ápy đổi.
Ai dễ mắc bệnh?
Tiền sản giật thường gặp ở những thai phụ quá trẻ (nhỏ hơn 15 tuổi) hay quá lớn tuổi (lớn hơn 35 tuổi), người có con so dễ mắc hơn khi có con rạ, đa thai dễ mắc hơn một thai, bệnh đái tháo đường, yếu tố di truyền, yếu tố dinh dưỡng… cũng là những yếu tố nguy cơ. Bệnh sẽ khỏi nhanh chóng sau khi sinh, HA sẽ giảm dần tới ổn định. Tuy nhiên, nếu có các biến chứng (tai biến mạch máu não, tổn thương các cơ quan nội tạng mà thường nhất là gan, mật) thì chắc chắn sẽ có di chứng, tùy theo mức độ tổn thương.
Dự phòng tiền sản giật
Tiền sản giật có thể dự phòng hoặc giảm bớt biến chứng nhờ khám thai tốt. Cần tuân thủ việc điều trị đái tháo đường nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa khác đang có sẵn. Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự đếm cử động thai, tự theo dõi các dấu hiệu trở nặng như phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, nôn nhiều.
Cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu trên bởi thực tế lúc nào tiền sản giật biến thành sản giật khó đoán trước được. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, rau bong non gây tử vong cho mẹ và con.
Nguyễn Văn Tân đã bình luận
Kính gửi meyeucon.org
Vừa rồi bà xã mình mới đi khám định kỳ, thai được 27 tuần, nặng khoảng 1356gr. Huyết áp 140/90mm Hg. Bác sỹ bảo huyết áp như vậy là cao và rất nguy hiểm. Hiện tại sức khỏe của bà xã mình bình thường. Nghe Bác sỹ nói vậy mình rất lo lắng. Mong meyeucon.org tư vấn giúp mình cách điều trị chứng cao huyết áp ở người mang thai.
Xin chân thành cảm ơn !
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nếu tính tuổi thai đúng (theo ngày thấy kinh kỳ cuối và vòng kinh thường thấy) thì cân nặng của thai nhi khá to (theo bảng phát triển chuẩn thì 28 tuần mới đạt 1000-1100gr). Có thể đo HÂ trong tình trạng mệt mỏi, hồi hộp hoặc vừa làm việc nặng (đi bộ, leo cầu thang, xách nặng….) thì HA cũng tăng, tuy nhiên HA 140/90 chưa phải là cao mức nguy hiểm nếu không kèm theo phù và nước tiểu có Protein. Bạn nên chăm sóc tạo điều kiện cho vợ thường xuyên được nghỉ ngơi, giảm lo lắng ưu phiền, giảm ăn mặn, ăn ngọt quá mức. Nên đo HA ngày 2-3 lần và ghi lại để đánh giá thực trạng HA cao thường xuyên do nội tạng hay do tác động từ bên ngoài (vận động mạnh), nên đo vào lúc sáng ngủ dậy chưa ra khỏi giường, sau lúc ăn trưa, và buổi chiều tối trước khi ăn. Nếu phù chân nên nằm gác chân cao hơn người, uống nước râu ngô bông mã đề lợi tiểu.