Để đảm bảo bà bầu khỏe mạnh, thai nhi phát triển được thuận lợi nhất thì chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng. Bên cạnh đó các mẹ bầu cũng rất cần chú ý đến những vận động của bản thân.
Thời kỳ đầu mang thai, nhau thai vẫn chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị sảy thai. Do đó, bà bầu cần phải tránh những động tác mạnh vào bụng hoặc duy trì lâu những tư thế miễn cưỡng không có lợi. Khi số tuần mang thai tăng lên, bụng của thai phụ sẽ có xu hướng nhô về phía trước, vì thế vị trí trọng tâm thay đổi. Ngoài ra, dây chằng xương chậu xuất hiện hiện tượng giãn sinh lí, các đốt sống eo dễ bị nghiêng về phía trước, áp lực lên cơ bụng tăng lên, dễ bị mệt mỏi. Để tránh những nguy cơ này, trong thời gian mang thai, các thai phụ nên thực hiện và duy trì những động tác và tư thế đúng trong sinh hoạt.
Tư thế đứng
– Để không bị mỏi, thai phụ nên đứng hai chân thẳng, hai bàn chân hơi mở, để trọng tâm rơi vào gần tâm bàn chân.
– Nếu phải đứng quá lâu thì cách vài phút phải đổi tư thế trước, sau của hai chân, để trọng tâm rơi vào cẳng chân trước, chân trước thẳng, làm như thế có thể giảm mức độ mệt mỏi.
Phương pháp đi lại chính xác: rất nhiều thai phụ có thói quen đứng ở tư thế cong lưng, hoặc ưỡn ngực khi đi lại. Làm như vậy là không đúng, bạn phải ngẩng đầu, duỗi thẳng cổ, cằm hơi gập vào phía ngực, sau lưng duỗi thẳng, khép chặt mông, giống như nâng bụng lên để đảm bảo toàn thân thăng bằng khi đi lại. Phải bước vững chắc từng bước một, đề phòng bị ngã.
Tư thế ngồi ghế
– Phải ngồi sâu vào trong ghế, lưng tựa thẳng vào lưng ghế. Nếu ngồi ở mép ngoài ghế sẽ bị trượt, nếu ghế không ổn định còn có nguy cơ bị ngã.
– Khi ngồi ghế có lưng dựa, phải xếp khớp đầu gối cho đùi và cẳng chân vuông góc, đùi song song với mặt đất.
– Khi ngồi không được đặt ịch mông xuống ghế, trước tiên bạn nên đặt mông xuống phía ngoài rồi đẩy mông xuống vào phía trong.
Tư thế nghỉ ngơi thả lỏng
– Thời kì đầu mang thai, tốt nhất là dùng tư thế nằm ngửa duỗi thẳng, đặt dưới kheo chân một chiếc gối nhỏ, cơ bắp toàn thân đều được thả lỏng rất thoải mái.
– Sau tuần thai thứ 16, bạn có thể nằm nghiêng thoải mái hơn, có thể loại trừ mọi căng thẳng cơ bắp, làm hết mệt mỏi, có lợi cho giấc ngủ. Bạn nên tuỳ theo thói quen của mình mà nghiêng sang trái hay nghiêng sang phải, nhưng chú ý bụng phải dùng chăn lót đỡ.
– Tay phía dưới có thể đặt sau lưng, tay phía trên để hơi cong. Hai chân cũng hơi cong, chân trên duỗi thẳng đặt ở phía trước. Khi cơn đau đẻ xuất hiện, bạn có thể dùng tư thế như trên để làm cơ thể thoải mái.
Độ cao của bàn, bệ
Độ cao của bục là quần áo hoặc bồn rửa trong bếp nên ở vị trí vừa tầm để thai phụ không phải khom người hoặc rướn người.
Tư thế tắm rửa
Khi tắm rửa, các thai phụ dễ bị trượt ngã, rất nguy hiểm. Do đó, khi bước vào bồn tắm, tay phải của bạn phải bám chắc vào thành bồn. Bạn cũng nên kiểm tra xem nền buồng tắm và đáy bồn có trơn hay không. Nếu thấy nguy hiểm phải thay hoặc tìm cách sửa chữa ngay.
Tư thế lên xuống cầu thang
Khi lên cầu thang, bạn không được khom lưng hoặc quá ưỡn ngực, ưỡn bụng, bạn nên duỗi thẳng lưng. Lúc xuống cầu thang, các bà bầu cần chú ý nhìn rõ các bậc cầu thang, bước lên, xuống chậm rãi và chắc chắn. Không nên chỉ bước bằng mũi chân, vì dễ gây nguy hiểm do ngã.
Thời gian cuối của thai kì, do bụng bà bầu nhô ra phía trước, che khuất tầm nhìn nên bạn có thể không thấy được bàn chân mình. Vì thế, bạn nên chú ý đặt bàn chân vững chắc rồi mới di chuyển thân thể. Nếu có tay vịn, nhất định bạn phải vịn vào tay vịn khi lên, xuống
Tư thế khi nhặt các đồ vật
Khi nhặt các đồ vật trên mặt đất, trước tiên bạn phải gập đầu gối, sau đó hạ eo xuống, ngồi xuống vững chắc rồi mới nhặt đồ vật. Sau khi nhặt đồ vật xong, bạn nên đứng thẳng lên. Tuyệt đối không được khom người khi nhặt đồ vật.
Những động tác nên tránh trong lúc mang thai
Các bà bầu nên tránh làm các động tác như: điều khiển máy hút bụi, quỳ gối lau nhà, ngồi gập chân ra phía sau, mang xách nhiều đồ, đi xe đạp chở nhiều đồ, ngồi xổm, đứng quá lâu, đứng trên ghế để kiễng hoặc với…