Vệ sinh cá nhân tốt thì trẻ được sạch sẽ và đáng yêu, thêm vào đó sẽ tác động tốt đến sức khoẻ của trẻ. Do đó, phụ huynh rất cần phải tạo cho trẻ thói quen và ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, đã có nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc này.
Để giúp trẻ có thói quen và ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, cha mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau:
– Giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ phải phù hợp với lứa tuổi. Song song với sự phát triển của cơ thể, trẻ sẽ dần học hỏi các kĩ năng vệ sinh cho bản thân. Vì vậy, tuỳ thuộc vào độ tuổi và đặc điểm phát triển của trẻ mà cha mẹ có cách giáo dục phù hợp. Ví dụ, trẻ 3 tuổi, cha mẹ có thể dạy bé rửa mặt, rửa tay, chân, đánh răng, ngoáy tai, ngoáy mũi…; 4 tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ tự làm những việc khó hơn như: gấp quần áo, mặc quần áo, chải đầu, buộc tóc…; Trẻ 5 – 6 tuổi, cha mẹ hướng dẫn trẻ tự tắm, gội và hình thành các kĩ năng giữ vệ sinh của mình thành thói quen.
– Cha mẹ cần trang bị các vật dụng cần thiết cho trẻ như: chậu rửa mặt, khăn mặt, xà phòng, bông ngoáy tai, lược… Nên chọn các đồ vật xinh xắn, đáng yêu, phù hợp với trẻ. Điều này sẽ tạo hứng thú mỗi khi trẻ tiến hành vệ sinh cá nhân.
– Hãy sắp xếp một thời gian biểu cụ thể để trẻ làm vệ sinh cá nhân: đánh răng mỗi khi ngủ dậy; rửa mặt; chải đầu… Trước khi ăn cơm, hay sau khi chơi xong thì trẻ cần rửa tay, chân sạch sẽ. Vào mùa hè, nên tắm, gội.. vào buổi chiều…
– Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện vệ sinh của trẻ. Trong quá trình này, bạn cần đánh giá cái nào bé đã vệ sinh được, cái nào chưa được.
– Tạo hứng thú cho trẻ khi vệ sinh cá nhân bằng cách, khuyến khích trẻ hát mỗi khi rửa tay, chân hoặc mở băng đĩa có các bài hát thiếu nhi vui nhộn khi trẻ tắm… Những điều này sẽ khiến trẻ vui vẻ hơn khi thực hiện các công việc vệ sinh cá nhân.
– Thông qua trò chơi để hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân như: chơi nấu ăn và sau đó ăn cơm. Trước khi ăn, các bạn cùng chơi cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng…
– Cần khuyến khích và nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ: nếu trẻ làm tốt việc vệ sinh cá nhân thì cha mẹ cần khen ngợi để trẻ cảm thấy tự tin hơn. Ngược lại, nếu trẻ làm sai, cha mẹ tuyệt đối không trách mắng mà cần nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ thực hiện lại.
– Cha mẹ nên là những tấm gương về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân để trẻ học theo, vì trẻ nhỏ thường bắt chước các hành vi của người lớn, nhất là cha mẹ. Bạn hãy cùng trẻ đánh răng. Vừa đánh răng, bạn vừa hướng dẫn trẻ cách chải răng đúng cách và để trẻ làm theo.
– Giáo dục trẻ biết vệ sinh các dụng cụ vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh chung: dạy trẻ giặt khăn mặt, phơi khăn mặt và rửa chậu sạch sẽ sau khi rửa mặt và giữ gìn phòng ở sạch sẽ; vệ sinh bồn tắm…