Đa số cha mẹ thường hay chủ quan, không quan tâm đến vấn đề yêu đương của con trai mình. Chỉ đến lúc con trai họ dắt về một cô gái để “báo cáo”, nếu ưng ý thì gật đầu, nếu không ưng thì phản đối. Đó là sai lầm rất phổ biến của các bậc làm cha mẹ trong vấn đề giới tính, tình yêu của con trai.
Trẻ có thể tự tử vì tình
Cảm xúc của con trai thường bị bỏ quên hay xem nhẹ vì nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng chỉ có con gái mới có sự đau khổ trong tình cảm. Đây là quan niệm mang nặng sự phân biệt giới tính. Sự thật là mọi đứa trẻ đều có khả năng phát triển tình cảm nam nữ và đau khổ khi tình cảm ấy bị ngăn cấm hay bị phản bội.
Nạn nhân gần nhất là một nam học sinh đang học lớp 12, hệ bổ túc văn hoá tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã tự tử sau cuộc điện thoại hàng trăm phút với người yêu mới chia tay vào ngày 13/9. Được biết, trong đêm Trung thu, cậu học trò này đã tìm gặp bạn gái cũ để nói chuyện nhưng không được đáp lại. Khi tìm đến cái chết, em đã gọi điện thoại nói chuyện với bạn gái cũ vài giờ đồng hồ đến lúc máy hết pin mới dừng. Khi người mẹ vào phòng con trai vào sáng ngày hôm sau thì tất cả đã muộn, cậu học trò đã chết trong tư thế treo cổ, trên người mặc chiếc áo người yêu tặng.
Trước đó, ngày 3/8, một nam sinh đang là học sinh THPT trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) cũng uống thuốc diệt côn trùng để tự tử do bị gia đình bạn gái ngăn cấm. Rất may, em đã được gia đình bạn gái đưa đi cấp cứu kịp thời nên sức khỏe đã ổn định.
Xét về mặt tâm lý, khi tìm đến cái chết trong những trường hợp bị cấm đoán hay phản bội là do các em đã nghĩ tình yêu là tất cả, là lẽ sống. Trên thực tế, các em chưa phân biệt được “thích” – “yêu” và hay lầm lẫn giữa hai khái niệm này. Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy điều đó, nhưng do không có kỹ năng ứng xử với con, lấy quyền của bố mẹ ra để áp đặt, ngăn cản đã khiến cho các em có những hành vi tiêu cực.
Sư thầy Thích Chân Quang ở chùa Phật Quang, trong một bài giảng “dạy con nên người” cho rằng: Hiện nay trẻ 13, 14 tuổi sinh lý đã phát triển rất mạnh. Lúc đó trẻ dễ bị tò mò, dễ bị lôi cuốn. Trẻ cũng bị tiêm nhiễm vào đầu chuyện tình yêu, giới tính quá sớm. “Chuyện tình yêu, tình dục người ta cứ đưa ra nói bô bô. Những thực tế đó cứ tác động vào tâm hồn đứa trẻ, làm cho chúng sớm có ý thức về yêu đương nam nữ, kích thích những tuyến nội tiết phát triển. Tuổi còn nhỏ nhưng sinh lý đã phát triển rồi. Hiện tượng trẻ phát triển sớm, dậy thì sớm một phần cũng là vì vậy.
Trong một đợt tổ chức học hè hai tháng cho học sinh ở chùa Phật Quang, khi cho kiểm tra quan niệm về tình cảm, quan niệm về tình yêu nam nữ, nhiều bài viết của học sinh lớp 6 đã nói vanh vách về tình yêu một cách rất thật lòng. Đó là điều báo động. Bởi hầu hết các em vẫn cứ nhầm tưởng việc thích một bạn nào đó là tình yêu”, sư thầy Thích Chân Quang nói.
Giúp con phân biệt giữa “thích” và “yêu”
Theo sư thầy Thích Chân Quang, để giáo dục con trẻ về tình yêu, các bậc cha mẹ cần giải thích rõ cho con biết “thích” là gì và “yêu” là gì. Thích chỉ là cảm tính, là ham muốn cá nhân ích kỷ, là mong muốn được chiếm hữu, kết bạn, cặp bồ. “Thích” hoàn toàn là vô trách nhiệm, chưa có ý niệm về đạo đức trong đó. Thấy một cô gái hình dáng hợp nhãn, đẹp, có chút tài, có chút dễ thương… rồi thích.
Yêu thì khác hẳn. Yêu là có trách nhiệm, có hy sinh, có đắn đo, có suy nghĩ trước sau. Thích và yêu phát triển tùy theo sự phát triển đạo đức của mỗi người. Người nào đạo đức phát triển sớm thì họ không có cái “thích” mà có cái “yêu“. Người không có đạo đức thì cho tới già, 70 tuổi thì cũng chỉ có “thích” chứ không biết “yêu”. Họ lấy vợ là do đến tuổi phải lấy và lấy vợ cũng chỉ vì cái “thích“. Khi không có tình yêu thì sự “thích” đó sẽ không bao giờ kết thúc.
Theo sư thầy Thích Chân Quang, tình cảm ở tuổi học trò thường là thứ tình cảm bồng bột, mang tính cảm tính. Không chỉ đến 17 – 18 tuổi mới biết thích, mà từ 13 – 14 tuổi các em đã biết đến thứ tình cảm này rồi. Nhiều em học lớp 4, lớp 5 đã nhìn cô bạn gái trong lớp một cách say sưa rồi. Đó là cái thích bình thường. Những cái thích đó cha mẹ phải khơi ra cho con nói. Chẳng hạn: “Trong lớp con có cô nào dễ thương nói cho mẹ nghe” để trẻ nói ra những suy nghĩ của mình. Lúc này hãy lắng nghe con nói, góp ý một cách vui vẻ, sau đó phân tích cho con hiểu về những tình cảm nên và không nên trong lứa tuổi học trò.
“Điều lưu ý là các bậc cha mẹ cần phải biết lắng nghe những ý thích của con. Nghe một cách chăm chú, đừng bác bỏ ngay mà từ từ góp ý một cách vui vẻ, cùng với sự phân tích chí lý chí tình… thì không có đứa con nào là không biết nghe lời”, sư thầy Thích Chân Quang khuyên.