Lúc này chị Thùy cảm thấy bất lực với cậu con trai 9 tuổi của mình hơn bao giờ hết. Trước đây, cu Bon rất ngoan, tự giác học cả ở nhà và trên lớp mà không cần một lời nhắc nhở nào. Thằng bé cũng rất thông minh, nhanh hiểu bài, ngoan ngoãn, luôn biết vâng lời và không bao giờ nói dối người lớn.
Vợ chồng chị Thùy rất tự hào về cậu con trai lớn của mình. Chẳng thế mà hàng ngày, sau giờ làm việc ở công ty, tối về dù anh chị cũng không có nhiều thời gian cho con nhưng vẫn yên tâm. Ngoài việc chăm sóc cậu con trai thứ hai mới 2 tuổi, vợ chồng chị Thùy chỉ kịp hỏi han xem Bon học hành thế nào và kiểm tra bài tập của Bon. Sở dĩ anh chị yên tâm và không mất nhiều thời gian cho Bon bởi Bon đều hoàn thành những bài tập và công việc nhẹ nhàng mà bố mẹ giao cho.
Nhưng mùa hè này thì khác. Mặc dù ít phải hỏi han hay đốc thúc con tận nơi, nhưng chị Thùy cảm giác có gì đó thay đổi ở Bon. Bon lầm lì, ít nói hơn trước và đặc biệt ít chơi với em Dế hơn. Những tưởng con mệt, chị Thùy cố gắng bồi dưỡng cho con bằng những món ăn mà con thích. Nhưng Bon cũng rất thờ ơ. Có đôi lúc Bon nhìn mẹ bằng ánh mắt xa xăm, kì lạ. Bon bắt đầu xao nhãng bài tập của bố mẹ giao, mẹ có hỏi đến là thế nào cậu cũng quanh co: “Con làm rồi, nhưng không nhớ để đâu ấy. Mai con tìm thấy sẽ đưa mẹ xem”. Những lần đầu, chị Thùy còn tin con vì biết con mình không biết nói dối. Nhưng đến lần thứ 3, thứ 4 vẫn thấy con quanh co như vậy, chị thấy rất nghi ngờ nên đã hỏi tận nơi. Và Bon thú nhận rằng mình chưa làm bài tập. Giận run người, chị Thùy cảm tưởng có thể lao vào mà đánh cho con một trận nên thân, nhưng rồi chị vẫn phải kiềm chế để con không sợ và còn để khuyên bảo con bỏ tính nói dối.
Lo lắng con ở nhà nhiều mà trầm cảm nên như vậy, vợ chồng chị Thùy đăng kí cho con tham gia một số câu lạc bộ sinh hoạt thiếu nhi và hàng ngày sáng đưa con đến, tối đón con về. Thế nhưng, chỉ sau 2 tuần, phụ trách lớp liên tục gọi điện cho chị và nói rằng Bon không hề tham gia lớp và giáo viên không biết lý do tại sao. Đến nước này thì chị Thùy không thể chịu đựng được nữa. Chị băn khoăn xen lẫn lo lắng, không biết con trai chị đã ở đâu trong những ngày đó, trong suốt thời gian được đưa đến đó và đợi đón về. Chồng chị thì vừa hiền lành lại rất thương con nên không muốn đánh con. Anh nghĩ rằng dùng biện pháp nói chuyện với con sẽ hiệu quả hơn. Nhưng thằng bé không mấy khi tỏ ra cởi mở với ba mẹ mà chỉ trả lời nhát gừng những câu ba mẹ hỏi.
Bon ngày càng lầm lì và chị Thùy thì càng ngày càng bế tắc. Chị quay cuồng trong cái mớ bòng bong khi hàng ngày chứng kiến cậu con trai của mình mới 9 tuổi mà đã nói dối “như thần”. Chị không biết phải làm sao cho phải với con. Chị lo nếu tình trạng này kéo dài, con trai sẽ ngày càng rời xa vòng tay chị và sợ là nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách của em trai nó.
Con cái là tất cả của cha mẹ, chị không thể để con mình như vậy thêm nữa. Lúc này, chị Thùy chỉ nghĩ được rằng từ mai, nhất định chị sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con. Và chị cũng sẽ tới gặp bác sĩ tâm lý để có thể có biện pháp giải quyết tốt nhất cho cả hai mẹ con.
Thực ra ở mỗi lứa tuổi, biểu hiện và hệ lụy của những hành vi dối trá của trẻ cũng khác nhau. Theo các nhà tâm lý, mô hình chung nên được áp dụng khi thấy con có biểu hiện nói dối là: cha mẹ phải học cách nắm bắt tâm lý của con trẻ trong từng giai đoạn để có những cách ứng xử khác nhau với con. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con biết tự nhận lỗi chứ không được chối quanh hoặc đổ lỗi cho người khác. Hơn nữa, khi con trẻ nói dối, cha mẹ nên tìm hiểu vấn đề và nhìn nhận ở nhiều khía cạnh chứ không nên quy kết hết lỗi cho trẻ. Việc này sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới tâm lý của trẻ.
Hơn nữa, cha mẹ cũng không nên dùng cách trừng phạt con bằng bạo lực, vì làm thế sẽ khiến trẻ sợ hãi và nói dối “thành thần” hơn, với cấp độ nghiêm trọng và tần suất liên tục hơn. Và việc cần làm nhất là cha mẹ cần luôn bên con để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của con, để con cái không cảm thấy lạc lõng và xa rời gia đình mình.