Thắng thường nói với bác giúp việc với cái giọng rất trịch thượng theo kiểu của một ông chủ con: “Bác đúng là nhà quê”. Đó là câu mà cu cậu thường “phán” mỗi khi không vừa ý điều gì.
Những “cái rốn của vũ trụ”
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng và không hiểu được tại sao con mình lại có tính khinh người và kiêu ngạo dù họ không hề dạy con theo hướng đó.
Vợ chồng anh Tùng (Thủ Đức, TP HCM) nhiều lần phải xấu hổ với người thân, bạn bè vì những câu nói vô tư của cậu con trai đang học tiểu học. Kinh tế nhà anh chị rất khá giả, anh làm giám đốc một công ty riêng tương đối lớn, chị là chuyên viên trong một viện nghiên cứu. Với hoàn cảnh gia đình như vậy nên ngay từ khi lọt lòng, bé Thắng đã được sống trong cảnh sung túc, muốn gì được nấy. Từ đồ dùng đến đồ chơi của bé bao giờ cũng được mẹ sắm cho những thứ tốt nhất, mua ở siêu thị hay trong các cửa hàng đắt tiền trên phố lớn. Thắng nhận thức được ưu thế đó ngay từ khi còn nhỏ. Đến lúc học tiểu học, cu cậu thường rất tự hào trước những cặp mắt ngưỡng mộ, trầm trồ và thèm muốn của các bạn khi được bố đưa đón bằng xe hơi.
Cả hai vợ chồng anh Tùng đều bận nên phải thuê người giúp việc đỡ việc nhà. Họ rất tôn trọng bác Năm giúp việc, một người lớn tuổi. Nhưng Thắng thì khác, nó luôn nói với bác bằng giọng rất trịch thượng. Anh Tùng đã chứng kiến Huy hách dịch sai bảo: “Bác Năm lấy cơm mang ra đây cho cháu, cháu còn đang xem hoạt hình” hay “Bác không hiểu à, đã bảo là không ăn cơm với cá mà, bác đi mua tôm đi”. “Bác đúng là nhà quê” là câu mà cu cậu thường phát ra mỗi khi không vừa ý điều gì bác Năm làm cho mình.
Nhà thỉnh thoảng có khách ở quê lên thăm, nhiều phen vợ chồng Tùng muối mặt với họ hàng vì những câu nói của con. Hè năm ngoái, bà chị họ của anh Tùng từ Tây Ninh lên chơi, dẫn theo cậu con trai gần bằng tuổi Thắng. Thế mà Huy nhất định không chơi cùng. Cu cậu cất hết đồ chơi và đóng chặt cửa phòng. Vợ anh Tùng cứ dỗ con ra chơi với anh họ nhưng Huy nhất định không chịu. Nó còn nói luôn trước mặt cả nhà: “Nó bẩn và hôi lắm, con không chơi cùng được”, hay “Nó có biết gì đâu, làm sao mà chơi điều khiển siêu nhân được với con”. Vợ chồng anh Tùng ngượng chín mặt với khách, chẳng lẽ lại lôi con ra đánh.
Tùng chia sẻ, anh không bao giờ muốn con mình trở thành đứa bé kiêu ngạo, coi khinh người khác như thế. Bản thân vợ chồng anh cũng xuất thân nông thôn, cũng từng vất vả chăn trâu cắt cỏ khi còn nhỏ. Đến nay có điều kiện, anh chỉ nghĩ đơn giản ngày xưa bố mẹ mình khó khăn, rất nhiều thứ chỉ mơ ước mà không thể có được, nên giờ có điều kiện thì chiều con, cho con những thứ tốt nhất.
Con gái chị Cúc, bé Khánh Vân, năm nay 5 tuổi, đang học lớp mẫu giáo lớn. Khánh Vân xinh xắn, nhanh nhẹn và thông minh nên dù ở đâu, bé cũng nổi trội so với các bạn và luôn được nhận những lời khen ngợi, cổ vũ. Vợ chồng chị cho con đi học nào nhạc, nào họa, rồi cả múa và ngoại ngữ mặc dù bé còn chưa đi học lớp một. Nhưng với tư chất thông minh, bé Khánh Vân đều tiếp thu rất nhanh. Các trương trình biểu diễn, liên hoan của lớp, của trường lần nào bé cũng là nhân vật trung tâm. Cũng chính vì thế mà càng ngày bé càng tỏ ra mình là nhất, là số một.
Mỗi khi về nhà, chị Cúc thường nghe con nhận xét không mấy thiện chí về các bạn. Lúc thì Khánh Vân bảo: “Bạn Bi vừa bẩn vừa hay đái dầm, kinh lắm, con không thèm chơi với bạn ấy đâu”, hay “Bạn Bảo xấu xí lại chẳng múa đẹp bằng con mà cô giáo cứ bắt con múa cùng bạn ấy”… Dường như trong mắt Khánh Vân, tất cả các bạn đều không ai “xứng” được chơi cùng bé.
Chị Cúc lúc đầu thấy thái độ đó của con cũng không để ý, chị còn cười xòa cho qua, nghĩ con mình nhỏ thế mà đã biết nhận xét, đánh giá người xung quanh, lại có cái tôi, có cá tính. Nhưng sau càng ngày chị thấy “bệnh” của con càng có vẻ trầm trọng hơn. Ngay cả về nhà hay chơi cùng các anh chị em trong họ hàng, bé cũng chê bai, coi mọi người thấp kém hơn mình nên chị Cúc buộc phải để ý và suy nghĩ về cách dạy con của mình.
Trên một trang web, có bà mẹ tâm sự, vợ chồng chị hiếm muộn, chữa trị mãi mới sinh được mụn con. Và họ càng hạnh phúc hơn khi thấy con mình càng lớn càng xinh đẹp, học giỏi, luôn luôn dẫn đầu trong bảng thành tích học tập của trường, giành giảo cao nhất trong các cuộc thi học sinh giỏi của huyện, của tỉnh. Cô bé thường được hàng xóm lấy làm gương cho con mình. Vợ chồng bà không tiếc công tiếc của nuôi cho con ăn học. Bà không bắt con làm bất cứ việc gì ngoài hai buổi đến trường, trong khi các bạn cùng trang lứa phải hái rau, chăn lợn giúp gia đình. Nhưng không hiểu sao, cô bé thành ra tự phụ, ương bướng, cãi lại, thậm chí còn tỏ vẻ coi thường cha mẹ là “ít chữ”. Cô còn tuyên bố, với khả năng như cô chỉ có sống ở thành phố hay nước ngoài thì mới xứng chứ quanh quẩn ở cái vùng quê nghèo đói lạc hậu này thì không đáng. Bà mẹ ấy tâm sự rằng, vợ chồng bà tuy ít chữ nhưng cũng vẫn biết đối nhân xử thế, ăn ở với hàng xóm láng giềng không điều tiếng gì, không hiểu sao con bà lại kiêu ngạo, coi thường tất cả mọi người xung quanh mình.
Đừng đổ lỗi cho trẻ
Tư tưởng tự cao thường xảy ra ở những đứa trẻ thông minh hay có khả năng vượt trội về một mặt nào đó so với các bạn. Việc thường xuyên nhận được những lời khen ngợi, tâng bốc hay nhận được sự quan tâm quá mức sẽ khiến trẻ ngộ nhận về mình, cho rằng mình vĩ đại và có tâm lý tự cao cũng là điều dễ lý giải.
Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, trẻ có tính cách tự cao tự đại chủ yếu là do ảnh hưởng của gia đình. Có thể cách cư xử của những người trong nhà cũng thế, khiến trẻ bị ảnh hưởng. Hoặc có thể cha mẹ không có thái độ kiêu ngạo nhưng chưa quan tâm đúng mức, chưa biết cách giáo dục cho trẻ cách cư xử đúng đắn.
Chuyên gia Nguyễn An Chất nhấn mạnh, đừng vội đổ lỗi cho trẻ khi thấy nó cư xử như vậy. Ở lứa tuổi này, nhân cách của trẻ vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Vì vậy trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng từ mọi người xung quanh dù tốt hay xấu. Điều quan trọng là cha mẹ biết cách hướng cho con mình có những suy nghĩ tích cực.
Nếu sự thực con bạn là một đứa trẻ thông minh, xinh đẹp thì cũng đừng bao giờ bộc lộ quá mức niềm tự hào của bạn trước mặt con. Trước mỗi thành tích mà trẻ đạt được, chỉ nên dành những lời động viên đúng mức, không nên cổ vũ hay tán dương quá lên khiến trẻ nghĩ nó đã làm được những việc mà người khác không thể làm, dễ sinh kiêu ngạo.
Để điều trị bệnh tự cao của con, bạn có thể giao cho trẻ làm những việc không thuộc thế mạnh của nó. Chắc chắn trẻ sẽ không thể làm tốt ngay được. Lúc đó, bạn hãy góp ý những điểm chưa được và động viên trẻ tiếp tục cố gắng, giúp trẻ nhận ra rằng những gì nó đã làm được chưa phải là tất cả, còn những việc nó vẫn cần phải học hỏi rất nhiều.
Chị Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có cách giáo dục con rất hay để bé không coi thường, khinh miệt những người lao động và biết tôn trọng họ. Mua một túi nho, chị giải thích cho con để làm ra những quả nho chín mọng mà con chị chỉ việc cho vào miệng ăn, cần phải qua rất nhiều công đoạn và có công sức của rất nhiều người: từ bác nông dân mưa nắng trồng và chăm sóc đến người chở từ vườn lên phố và đem ra chợ bán. Chị còn cho con biết để có tiền mua nho, chị cũng đã phải làm việc vất vả như thế nào. Cậu con trai của chị say sưa nghe mẹ kể và tỏ thái độ rất thán phục. Về nhà trước khi ăn nho, bé còn bảo với mẹ: “Mình phải biết ơn bác nông dân trồng nho mẹ nhỉ!”.
PHAN MINH HUỀ đã bình luận
Muốn nói gì thì cha mẹ cũng là người để cho con làm theo, cha mẹ không hòa đồng cùng những người xung quanh, hay ít về quê thăm nội ngoại thì tầm nhìn của các cháu sẽ "ngắn". Khi người lớn nói thì thấy bình thường, nhưng lời nói thoát ra từ miệng đứa trẻ thì mới thấy "láo". Đây là phần giáo dục từ gia đình mà thôi. Hãy cho con đi chơi giã ngoại mà trong đó phải làm tất cả mọi việc để tăng tính tự lập, và cho con thấy rằng mình sẽ phải nhờ vả nhiều người khác để làm được mọi việc – kể cả những "người nhà quê" đó. Và tăng cường cho con đi thăm các nhà mở, trường tàn tật … để thấy rằng mình được như vậy là may mắn, và cần cố gắng sống tốt hơn.