Cho đến giữa thai kỳ, khoảng tháng thứ 6 – 7, thai nhi phát triển rất nhanh trong dạ con. Cho đến khi sinh, thể trọng của thai nhi trung bình vào khoảng 2800 – 3000g. Tuy nhiên, cũng có một số thai nhi khi sinh chỉ nặng chưa đầy 2500g hoặc lại nặng hơn 4000g.
Thai quá nhỏ
Những bé khi sinh có trọng lượng chưa đầy 2500g, thậm chí là nhỏ hơn chủ yếu do thai nhi khi còn trong dạ con sinh trưởng chậm. Những đứa trẻ sinh ra như vậy thường có tỉ lệ tử vong cao, sự phát triển của cơ thể và trí lực trong vòng 1 năm không đuổi kịp những đứa trẻ bình thường và còn có thể bị rối loạn chức năng trong cơ thể. Một số trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến liệt não.
Nguyên nhân
– Người mẹ: Người mẹ mang thai mắc các bệnh như: thiếu máu, bệnh tim bẩm sinh, bệnh tiểu đường và các chứng tai biến về sinh sản như ngộ độc thai nghén, thai già tháng… Những người mẹ bị biến chứng ở dạ con, chảy máu âm đạo ở thời kì đầu và giữa khi mang thai hoặc dị tật ở tử cung.
Trường hợp này cũng có thể xảy ra khi các bà bầu không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhất là những người lao động chân tay. Thể trọng của người mẹ quá yếu, quá nhẹ, dáng vóc thấp lùn… cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong dạ con.
Ngoài ra, những người mẹ trong thời kì mang thai có tiếp xúc với tia phóng xạ, chất độc hại, hoặc hút thuốc, uống rượu đều tác động xấu đến thai nhi.
– Thai nhi: Do quy luật phân bào của thai nhi rối loạn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của bản thân thai nhi hoặc do thiếu hụt 1 gen nào đó, làm ảnh hưởng đến quá trình tạo thành chất protein và gây dị dạng bẩm sinh.
– Nhau thai: Nhau phát triển không bình thường, nhau thai quá nhỏ hoặc chia thành nhiều nhánh. Vì thế ảnh hưởng đến khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho thai, gây ra các chứng viêm nhau, tắc nhau…
Phòng ngừa
Để tránh thai nhi sinh ra bị thiếu cân, người ta thường dùng các biện pháp như: đo vòng bụng, đo cổ tử cung, siêu âm để phát hiện những thai nhi phát triển chậm. Khi đã phát hiện thì cần nhanh chóng chữa trị. Hiện nay, với những thai nhi phát triển chậm, ngoài việc điều trị bệnh nguyên phát ở mẹ, người ta còn có thể tiêm đường glucô 25%, tiêm dung dịch axitamin vào tĩnh mạch, uống vitaminB1… Đặc biệt quan trọng , người phụ nữ sắp sinh cần được tăng cường bảo vệ và cung cấp dinh dưỡng.
Thai quá to
Thông thường, đứa trẻ khi sinh ra có trọng lượng khoảng 3000g, nhưng có trường hợp trẻ sinh ra nặng hơn 4000g, khi đó được gọi là thai to. Thai quá to thường gây khó khăn cho người mẹ và bác sĩ trong quá trình sinh.
Nguyên nhân
– Bản thân người mẹ vốn đã cao lớn nên đứa trẻ được di truyền.
– Người mẹ mang thai mắc bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường mãn tính. Khi đó lượng đường trong cơ thể người mẹ cao, thông qua nhau sẽ làm đường huyết của thai nhi liên tục tăng, kích thích tiết ra nhiều insulin. Đó là nguyên nhân gây tích đọng nhiều mỡ trong cơ thể thai nhi, khiến thai nhi to.
Chú ý
Nếu thai quá to, cho dù âm đạo đã mở hết trong quá trình sinh nhưng bé vẫn khó ra. ngoài được. Lúc này, bác sĩ thường yêu cầu sản phụ dùng sức rặn mạnh để đẩy bé ra ngoài, vì thế sẽ làm mất sức của người mẹ. Ngoài ra, thai to cũng ảnh hưởng đến quá trình co lại của dạ con và khi sinh, sản phụ mất máu quá nhiều nên sức khoẻ cũng hồi phục chậm hơn.
Nếu quá trình sinh kéo dài, nhịp tim của thai nhi chậm lại sẽ gây nguy hiểm nên các bác sĩ thường phẫu thuật hoặc dùng kẹp bé lôi ra. Do vậy, một số trẻ sinh ra trên đầu có hằn vết dài. Đứa trẻ sinh khó, cần phải được theo dõi thường xuyên để tránh chảy máu trong não, giảm trọng lượng sau khi sinh do trớ sữa.
Thai nhi quá to hoặc quá nhỏ đều không tốt, vì vậy phụ nữ mang thai cần chú ý để thai nhi phát triển khoẻ mạnh, bình thường để tốt cho cả mẹ và con.
đặng thị thủy đã bình luận
Cho em hỏi thai 5 tháng rưỡi, nặng 7g có bị suy dinh dưỡng không?