Trong thực tế thì không có một khoảng cách cố định giữa hai lần sinh nào được cho là thích hợp để áp dụng cho mọi gia đình, mọi cặp vợ chồng. Mỗi gia đình đều có những giới hạn về khả năng thụ thai, điều kiện y tế , hoặc hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình… nên mỗi gia đình phải tự tìm ra khoảng cách hợp lý nhất theo những thông tin tham khảo chúng tôi cung cấp dưới đây.
Khi bạn sinh con quá liền nhau
Thông thường, nếu trong khoảng từ 3 năm trở lại mà bạn sinh hai con thì được gọi là sinh con quá liền. Nếu sinh con quá gần nhau thì bạn sẽ vô cùng vất vả trong việc nuôi dạy bé. Bởi bạn sẽ vừa bận rộn trong việc chăm sóc em bé, lại vừa phải đối diện với những mệt mỏi đầu thai kỳ và quá trình mang thai. Nhiều cặp vợ chồng sinh hai con trong thời gian ba năm thường nói rằng, họ có cảm giác như nuôi con sinh đôi, bởi phải đáp ứng gần như cùng lúc mọi đòi hỏi của hai bé. Trong tình huống này, cuộc sống của họ vô cùng bận rộn và phải tập trung mọi ưu tiên cho hai bé nên nhiều kế hoạch của cuộc sống như: du lịch, vui chơi… có thể bị hoãn lại.
Ngoài ra, khi vừa mới sinh con trong một thời gian ngắn, cơ thể người mẹ chưa hoàn toàn để phục hồi, do đó em bé tiếp theo sẽ có nhiều nguy cơ như bị sinh non, nhẹ cân và nhỏ bé hơn.
Khi sinh con ở khoảng cách xa nhau
Nếu khoảng cách giữa hai đứa trẻ của bạn là từ 6 năm trở lên thì được gọi là khoảng cách quá xa. Khoảng cách giữa các lần sinh càng lớn, bạn sẽ càng có cơ hội chăm sóc từng bé cũng như dành được sự chú tâm hoàn toàn cho các bé trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, nếu khoảng cách quá xa sẽ làm giảm sự gần gũi giữa các bé. Đôi khi, những trẻ lớn thường oán giận bố mẹ và em mình vì cảm thấy mình bị “ra rìa”, không được quan tâm, chăm sóc như đứa em mới sinh. Ngoài vấn đề tâm lý của trẻ lớn, người mẹ cũng dễ gặp các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở bé kế tiếp khi mà tuổi sinh đẻ của mẹ đã cao.
Khoảng cách hợp lý giữa hai lần sinh là bao nhiêu?
Theo các chuyên gia thì khoảng cách lý tưởng giữa hai lần mang thai và sinh nở là 3 – 5 năm. Khoảng cách này giúp cho người mẹ có đủ thời gian chăm sóc bé trước; có đủ thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con và thời gian để phục hồi sau những áp lực ở lần mang thai trước; tránh được những rủi ro trong thai nghén và sinh nở, đặc biệt là “bồi đắp” dinh dưỡng, sẵn sàng cho lần mang thai kế tiếp. Đồng thời, tạo cơ hội cho bạn có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và hoà nhập xã hội.
Tuy nhiên, việc lựa chọn khoảng cách giữa hai lần sinh thế nào cho phù hợp nhất còn phụ thuộc vào những điều kiện thực tế của vợ chồng bạn. Nếu trong trường hợp người mẹ sinh con thứ nhất khi đã trên 35 tuổi mà vẫn muốn có đứa thứ hai thì họ cần phải có kế hoạch cụ thể để sinh bé tiếp theo, tránh sinh con ở độ tuổi quá cao. Ngược lại, nếu vợ chồng bạn còn trẻ thì có thể sinh bé thứ hai cách xa hơn… Tuy nhiên, mỗi gia đình sẽ có kế hoạch cho riêng mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh, kinh tế… cụ thể của mình.
Mỗi gia đình đều có những lý do riêng trong việc lựa chọn khoảng cách giữa hai lần sinh, nhưng dù thế nào thì khi lựa chọn khoảng cách bạn cũng cần tính đến các yếu tố như: đảm bảo được sự phát triển của bé, sức khỏe của người mẹ, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và kế hoạch gia đình.
Hồ Thị Thu Dung đã bình luận
Sau 10 năm tôi mới sinh lại bé thứ 2. vậy việc sinh lần thứ 2 cách nhau lâu như vậy có bị đau hơn với khoảng cách sinh con gần nhau?
nguyễn thủy đã bình luận
Chào mẹ yêu con. Em tiêm vắc xin ngừa viêm gian siêu vi B (heberbiovac) mũi 3 và vắc xin ngừa cúm (vaxigrip) ngày 28/9/2011, sau bao lâu mới được có thai? Có phải kiểm tra lại HbsAb nữa không, nếu phải kiểm tra lại Hbsab thì sau bao lâu?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Sau 1 tháng (tháng 11/2011) có thể tính chuyện mang thai. Nếu bạn muốn cẩn thận thì XN an-ti HBs, cúng không nhất thiết phải XN lại nếu bạn đã tiêm vaccin tại cơ sở y tế tin cậy.