Hỏi: Con trai tôi năm nay 4 tuổi nhưng đã có dấu hiệu thay răng, trong khi các bạn học cùng tuổi với con tôi tôi chưa thấy có cháu nào thay răng, tôi rất lo lắng về điều này, không biết cháu thay răng sớm như vậy là vì sao? điều này có ảnh hưởng gì đến răng miệng của cháu không? tôi có thể làm gì giúp cháu?
Trả lời: Trước hết tôi muốn nói với chị là hiện tượng cháu nhà chị thay răng khi 4 tuổi tuy có hơi sớm hơn so với các bé khác nhưng đó cũng là một hiện tượng bình thường, chị không nên quá lo lắng mà cần hướng dẫn cháu để cháu biết cách bảo vệ răng miệng của mình trong thời kỳ này, vì thời kỳ này có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của răng miệng của trẻ sau này. Để giúp cháu chị có thể tham khảo ý kiến dưới đây:
Trẻ thường thay răng vào độ tuổi khoảng từ 6 – 7 tuổi và kết thúc quá trình thay răng ở độ tuổi 12 và 13. Việc chăm sóc răng của trẻ trong thời điểm thay răng là điều rất cần thiết và quan trọng, bởi những chiếc răng mới mọc lên này sẽ “đồng hành” cùng bé trong cả quãng đời về sau.
Vì thế, bạn cần giúp cho trẻ giữ răng chắc, khỏe và đẹp bằng cách tập cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh, cách chăm sóc ngay từ khi trẻ thay những chiếc răng đầu tiên.
Tìm hiểu về quá trình thay răng
Thông thường, khoảng 6 tuổi trẻ bắt đầu thay chiếc răng đầu tiên. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên, nếu ngay từ 4 tuổi trẻ đã có dấu hiệu thay răng hoặc phải đợi đến khi 8 tuổi. Tiếp đó, các răng còn lại sẽ tiếp tục được thay và kết thúc cho đến khi bé 12 hoặc 13 tuổi.
Răng của trẻ sẽ được thay theo thứ tự: bắt đầu là răng cửa, răng nanh và cuối cùng là răng hàm. Đầu tiên, 2 răng cửa hàm dưới sẽ được thay trước, tiếp đó là 2 chiếc răng cửa hàm trên và những chiếc răng kế tiếp.
Chăm sóc răng miệng khi thay răng
Cảm giác khó chịu khi thay răng
Khi bước vào giai đoạn thay răng, trẻ thường cảm thấy khó chịu do lợi bị đau, chảy máu và cảm giác trống trải, thiếu hụt của chiếc răng đã bị thay đi.
Điều này cũng gây cho trẻ cảm giác không thoải mái trong khi nhai và nghiền thức ăn. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng hết sức bình thường khi trẻ thay răng, hiện tượng này sẽ nhanh chóng qua đi, cha mẹ chỉ cần giúp trẻ vui vẻ, nói chuyện và chơi với trẻ để trẻ quên đi cảm giác đau đớn này. Nếu cha mẹ thấy trẻ quá đau, không chịu đựng được thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để nhờ bác sĩ can thiệp, cha mẹ cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ không tuỳ tiện cho trẻ uống thuốc giảm đau.
Vệ sinh răng miệng
Tập thói quen uống một chút nước lọc để xúc miệng và lau miệng sau khi ăn xong.
Các bậc cha mẹ cũng nên nhắc nhở bé đừng quên đánh răng sau mỗi bữa ăn, hoặc tối thiểu cũng nên đánh răng 2 lần/ngày để việc chăm sóc răng bé đạt được hiệu quả. Lưu ý trong khi lựa chọn kem đánh răng cho bé, bạn nên chọn loại có chứa hàm lượng florua đạt chuẩn, để giúp răng luôn chắc khoẻ và loại trừ nguy cơ răng bị sâu.
Cha mẹ nên cho trẻ tập thói quen ngậm nước xúc miệng, tốt nhất là cho trẻ ngậm nước muối vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi tỉnh dậy giúp cho việc bảo vệ răng miệng của trẻ.
Chú ý ăn uống
Tập cho trẻ thói quen ăn uống thật tốt. Răng của trẻ phát triển có liên quan chặt chẽ tới dinh dưỡng. Trong giai đoạn thay răng, cha mẹ chú ý đến việc cho trẻ thường xuyên ăn các loại thức ăn bổ sung canxi, photphat, vitamin như: thịt, trứng, sữa, trái cây, rau xanh, dầu gan cá… Đồng thời, thức ăn của trẻ phải da dạng hoá, có đủ các loại như: thô, tinh, chay, mặn phối hợp. Như vậy, có thể thúc đẩy sự hình thành và canxi hoá các tổ chức mềm của răng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho trẻ thường xuyên ăn thêm một chút thức ăn thô, xơ… để giúp trẻ tăng cường khả năng nhai, thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của xương hàm, răng. Để phòng ngừa nguy cơ bị sâu răng, trẻ cũng nên hạn chế ăn các loại đồ ăn ngọt như bánh, kẹo hay ngay thậm chí cả nước quả có lượng đường lớn cũng nên hạn chế.
Bảo vệ răng hàm
Khi trẻ khoảng 6 tuổi sẽ mọc 4 chiếc răng hàm, vì răng hàm của trẻ không thay và nó có tác dụng quan trọng trong việc nhai, sắp xếp các răng vĩnh viễn sau này, cho nên phải hướng dẫn giữ gìn cẩn thận 4 răng hàm này, không để sâu răng.
Tránh hiện tượng răng mọc không đều
Khi trẻ thay răng, có thể do cảm giác trống trải ở lợi hoặc do ngứa lợi, trẻ thường có thói quen chạm tay, đẩy lưỡi vào chỗ trống của chiếc răng thay, thè lưỡi, cắn môi, mút tay, cắn bút chì… đây là những thói quen xấu, rất mất vệ sinh, có thể gây nhiễm trùng cho bé và ảnh hưởng đến sự phát triển không bình thường của xương hàm, làm cho hàm răng không đều khấp khểnh. Cha mẹ cần quan tâm, nhắc nhở trẻ để giúp trẻ từ bỏ thói quen này.
Khi trẻ đang thay răng, cha mẹ cần để ý nếu thấy trẻ hay thở bằng miệng thì cần nhắc nhở trẻ để trẻ thở bằng mũi, vì trẻ thở bằng miệng lâu ngày sẽ làm hàm trên cao lên, răng trước nhô ra, làm cho hai hàm không khít với nhau. Nếu trẻ bị mắc các bệnh về mũi sẽ làm trẻ khó thở và phải thở bằng miệng như viêm mũi, viêm xoang… thì cha mẹ cần kịp thời chữa cho trẻ không để trẻ thở bằng miệng.
Có một số trẻ khi thay răng có thể xảy ra những hiện tượng như: răng mới mọc lên, nhưng răng sữa lại không rụng, hoặc mọc lên hai cái răng mới cùng một lúc, điều này sẽ làm cho hàm răng của trẻ không đều và không tốt cho sự phát triển hàm răng của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần nhờ bác sĩ can thiệp giúp trẻ bỏ đi cái răng sữa hoặc răng thừa.
Nếu răng không đều do nguyên nhân bẩm sinh, hoặc di truyền thì sau khi trẻ đã thay răng sữa xong, cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện để chỉnh hình (chỉnh hình trong vòng 14 tuổi thì hiệu quả sẽ tốt hơn khi trẻ đã lớn).
Nếu bé không có dấu hiệu thay răng khi bé đã trên 8 tuổi, bạn hãy đứa bé tới gặp bác sĩ, ở đây các nha sĩ sẽ cho trẻ chụp X quang để kết luận được tình trạng thay răng của bé ở phía dưới hàm.