Một vài chỉ dẫn sau đây sẽ có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn những kỹ năng xã hội cần thiết để tạo dựng những mối quan hệ ý nghĩa, nhất là tình bạn.
Bạn có thể giúp trẻ như thế nào?
Một quan tâm lớn hiện nay của các bậc cha mẹ là các mối quan hệ của trẻ. Cha và mẹ dường như rất tận tâm trong việc giúp đỡ trẻ trong việc xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè. Bạn nên sắp xếp ngày vui chơi cho trẻ và tìm kiếm những cơ hội để trẻ dành nhiều thời gian bên bạn bè. Và bạn cũng có thể nói với trẻ rằng sẽ rất tốt khi mọi người cùng chia sẻ đồ chơi và thay nhau chơi.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không đảm bảo về vai trò của họ. Họ thường nghĩ rằng kết bạn là điều tự nhiên. Và liệu trẻ có học được gì từ những trẻ khác không? Sự thật là, mặc dù trẻ học được nhiều kinh nghiệm xã hội từ bạn bè, nhưng chúng không thể học được mọi thứ theo cách đó. Bạn có thể giúp trẻ một cách tích cực để trở thành một đứa trẻ tốt mà bạn bè yêu mến. Vai trò của bạn sẽ như một người hướng dẫn cho trẻ: Hãy giúp trẻ học cách tự giải quyết các vấn đề của mình, từ đó trẻ sẽ có được sự sáng suốt, tự tin và những kỹ năng xã hội. Bạn không nên can thiệp bất cứ khi nào trẻ gặp khó khăn với bạn bè.
Một vài cách hữu ích giúp trẻ trong quan hệ bạn bè
Bé Linh, 4 tuổi trong một nhóm bạn với 3 trẻ khác. Một sáng, bé bắt đầu kể một câu chuyện về chú mèo Kitty của bé. Những đứa trẻ khác không lắng nghe, nhưng bé vẫn tiếp tục nói khi các bé khác đã bắt đầu chơi trò bắt trước đi học. Mẹ của bé tình cờ chứng kiến cảnh đó và cảm thấy buồn khi thấy con mình không thể thu hút sự chú ý của các trẻ khác. Đó không phải là lần đầu chuyện này xảy ra.
Một bà mẹ khác kể một câu chuyện tương tự. Ở một bữa tiệc sinh nhật, bé Nam, 3 tuổi rưỡi tạo ra những âm thanh ngô nghê, kéo miệng xuống bằng các ngón tay, đảo mắt liên tục và dậm chân đi lại như một con quỷ. Bé nghĩ rằng mình thực sự rất hài hước, nhưng không một ai thấy vậy. Nhưng bé vẫn cứ làm thế.
Cả hai bé rõ ràng cần phải hiểu các bạn mình hơn. Trẻ em thực sự dạy cho nhau rất nhiều những hành vi xã hội – cái gì có thể chấp nhận và cái gì thì không, cái gì có hiệu quả và cái gì không có hiệu quả. Nhưng những tín hiệu đó rất khó để nhận ra: Không ai chú ý, không ai cười, hoặc một vài ai đó cười nhưng đầy hàm ý.
Nhiều trẻ cảm thấy khó khăn khi nhận dạng những tín hiệu xã hội đó, và chính đó là lúc bạn cần phải giúp trẻ. Hãy tìm cơ hội để nói với trẻ về những gì đã diễn ra khi trẻ đang chơi với bạn. Hãy bình luận thật đơn giản và chắc chắn để trẻ có một cơ hội tốt hơn để hiểu về những sự kiện trong quá khứ. Ví dụ, sau khi trẻ đã chơi xong, mẹ của Linh có thể nói với bé: “Con à, các bạn con có nghe những gì con kể không?”. Khi bé nhớ lại rằng bạn của bé không nghe mình kể chuyện, mẹ bé có thể nói tiếp: “Hãy nghĩ về những điều con có thể làm lần sau nhé, nếu con thấy các bạn không lắng nghe”.
Trên đường đi từ bữa tiệc về, mẹ của bé Nam có thể nói: “Mẹ thấy con đóng giả một con quỷ. Những bạn khác thấy sao?”. Bé sẽ có thể nhìn mẹ mình như thể bé không hiểu mẹ đang nói gì. Mẹ bé có thể giải thích thêm là “Bạn con có cười không?” Điều này sẽ gợi nhớ cho Nam rằng, thay vì cười, các bạn của bé đã bỏ đi.
Mục đích của việc này là để động viên trẻ chú ý tới những phản ứng của người khác và để nhận ra những tín hiệu rằng những hành vi của trẻ không có ích gì cả. Sau cùng, bạn có thể chỉ cho trẻ biết rằng mình có thể làm gì nếu tình huống tương tự xảy ra. Mẹ của Linh có thể chỉ cho bé một vài hướng dẫn đơn giản về ngôn ngữ cơ thể: “Các bạn có thể nghe con tốt hơn nếu con nhìn thẳng vào các bạn khi con kể chuyện”. Mẹ của Nam có thể nói: “Lần sau khi con làm giả những trò ngốc nghếch đó mà bạn con không thích trò chơi của con, con nghĩ mình nên làm gì?”. Chắc hẳn, bé sẽ trả lời rằng, bé sẽ dừng ngay trò đó lại.