Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát trong thời gian gần đây với 142 học sinh tiểu học, trong đó họ đã so sánh số giờ ngủ của các bé và kĩ năng học tập của chúng với nhau.
Kết quả cho thấy, hầu hết các bé từ 6 – 7 tuổi hay bị mất ngủ hoặc giờ giấc ngủ thất thường thường ít có khả năng giao tiếp và hơi chậm trong việc trả lời các câu hỏi toán học cơ bản. Không chỉ thế, chúng cũng hay mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp và nhận thức chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Trí nhớ và khả năng học hỏi của những đứa trẻ như vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do thiếu ngủ.
Sở dĩ có cuộc nghiên cứu trên bởi ngày càng có nhiều bậc phụ huynh cho phép con mình được sử dụng máy tính hoặc ti vi riêng trong phòng của chúng. Những loại máy móc này luôn thu hút được sự chú ý của trẻ và khiến chúng có thể quên ăn, quên ngủ được.
Ramon Cladellas (từ trường đại học Autonomous University of Barcelona (ở Tây Ban Nha), một trong những người thực hiện nghiên cứu cho biết: “Ngủ ít hơn 9 tiếng một ngày sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ do chúng không thể lấy lại được giấc ngủ ngon sau khi đã bị thiếu ngủ. Những học sinh ngủ ít hơn 8 – 9 tiếng một đêm thường xấu sắc hơn so với các bạn được ngủ từ 9 tới 11 tiếng. Ngày nay, mối lo ngại lớn nhất đối với các bậc phụ huynh đó là việc con em của họ cứ suốt ngày dán mắt vào ti vi, máy tính, hay các video game khiến chúng không thể đi ngủ đúng giờ hàng đêm”.
Người đứng đầu khoa thần kinh học, đại học Oxford, Giáo sư Russell Foster cũng nhấn mạnh: “Rõ ràng, trẻ phải ngủ đủ tối thiểu từ 9 tới 9 tiếng rưỡi một đêm thì mới tốt cho việc phát triển trí não của chúng ở độ tuổi nhi đồng, trong khi người lớn chỉ cần ngủ tối thiểu từ 6 tiếng rưỡi tới 8 tiếng rưỡi mà thôi. Một giấc ngủ ngon là điều cần thiết với chúng ở độ tuổi này. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bạn tìm thấy em bé nào ngủ chưa đầy 5 tiếng một đêm mà lại có trí óc tuyệt vời đấy!”.