Ban đầu, mẹ mặc kệ nhưng sau mẹ cũng không chịu nổi, nghĩ dỗ dành ngọt ngào thì con sẽ nín. Nhưng mẹ đã nhầm, con lại càng khóc to hơn. Và rồi mẹ nổi cáu, quát cả nhà, bà nội nghe thấy lại bênh con.
Nhật ký của mẹ
Từ nhà bà về, Hin cứ lèo nhèo với mẹ bằng cái giọng ư ử trong cổ họng. Hin theo mẹ như một cái đuôi, giật áo mẹ, lúc ấm ứ, lúc gào vào tai mẹ mỗi điệp khúc: “Mẹ mua cho con gói bim bim giống của bạn Tin”. Đi làm về mệt, lại còn phải nấu cơm tối, thế mà con cứ quấn chân mẹ. Mẹ Hin chịu thua con nên phát một cái vào mông con. Vậy là con được thể nằm lăn ra đất, giãy giụa, khóc váng nhà rồi nôn ọe.
Nghĩ lại, mẹ Hin vẫn chưa hết xấu hổ khi con sang nhà anh Quân chơi hôm qua. Anh Quân có bộ vợt cầu lông mới coong mầu da cam, con cũng cứ thích chơi và không chịu trả lại, đòi cầm về nhà. Mẹ đã phải kéo xềnh xệch con về trong nhà trong tiếng khóc rất thảm thiết. Về đến nhà, con không chịu ăn tối, khóc triền miên.
Ban đầu, mẹ mặc kệ nhưng sau mẹ cũng không chịu nổi, nghĩ dỗ dành ngọt ngào thì con sẽ nín. Nhưng mẹ đã nhầm, con lại càng khóc to hơn. Và rồi mẹ nổi cáu, quát cả nhà, bà nội nghe thấy lại bênh con. Vậy là từ câu chuyện của con mà bà không bằng lòng với mẹ. Phải làm sao để con ngoan bây giờ? Câu hỏi này đang lơ lửng trong đầu mẹ.
Nhiều mẹ cùng cảnh ngộ
Không chỉ riêng mẹ Hin mà rất nhiều bố mẹ khác đồng cảnh ngộ. Nhiều bạn bằng tuổi Hin cũng có biểu hiện tương tự, hơi một tý là dỗi, hờn, nằm lăn ra đất. Nhiều anh chị học lớp một rồi lại có chiêu “độc” hơn là ra điều kiện.
Cu Tít nhà chị Hà đi chơi Vincom cứ xà vào cửa hàng đồ chơi và năn nỉ mẹ cho mua bộ lắp ghép cướp biển có giá gần một triệu đồng. Món đồ đắt quá, chị Hà từ chối và gợi ý mua cho Tít mua món rẻ hơn. Thế mà Tít cứ một mực không chịu, cứ nhì nhèo cả buổi. Tối về, chị Hà nhắc Tít học thì nhận được một điều kiện: “Con sẽ học, mẹ phải mua cho con bộ đồ chơi lắp ghép”.
Theo kinh nghiệm của một số mẹ đã trải qua tuổi mè nheo của con cho biết: “Khi con mè nheo, phải hết sức cương quyết và không được xót con. Ví dụ, nếu con không chịu dậy đi học thì con sẽ ở nhà một mình. Hoặc khi con lèo nhèo không chịu đi mà bắt mẹ bế, mẹ có thể lái con sang một cuộc đua: “Nào, hai mẹ con mình chạy thi về nhà, nếu con thắng, mẹ sẽ thưởng cho một gói bim bim”.”
Bí quyết của các mẹ là “lờ” con đi. Ban đầu, điều đó sẽ rất khó khăn. Nhà cửa giống như sắp bước vào một cuộc chiến vì con gào khóc. Nếu lúc này mẹ dỗ con, như thế chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Cách tốt nhất là “ăn bánh bơ, đội mũ phớt” trước những hành động quá khích của con. Cách này xem ra rất hiệu quả. Sau trận “ăn vạ” không nhận được sự “đồng cảm nào”, chắc chắn bé sẽ bỏ thói quen mè nheo của mình. Làm thế chẳng có ích gì, chỉ thấy mệt và đói thôi.
Với những bé lớn hơn, mẹ có thể đánh vào thói quen tâm lý của con. Ví dụ: “Con đòi mua bộ đồ chơi này sẽ hết tiền mua sữa, mua quần áo đẹp…”.
Mẹ nên nhớ rằng không bao giờ đánh con khi con mè nheo vì điều đó sẽ không mang lại hiệu quả gì. Mẹ cũng cần phải học tính kiên nhẫn để trị tận gốc sự bướng bỉnh của con nhé!