Bệnh di truyền do bố mẹ truyền lại cho con rất khó có thể phòng tránh bởi căn bệnh đã đi vào gien của gia đình. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể giúp bé nâng cao sức đề kháng để giảm thiểu tác động của căn bệnh đến bé. Hãy cùng tìm hiểu các giải pháp đối với một số căn bệnh sau đây nhé.
Bệnh viêm tai
Những trẻ có bố mẹ bị viêm tai trong thời gian dài có nguy cơ phát bệnh cao đến 60-70%. Bởi bố mẹ có nhiều khả năng di truyền lại cho con kết cấu khuôn mặt cũng như kết cấu tai họng.
Theo các bác sỹ, trong gia đình không nên có người hút thuốc, mẹ nên cho bé bú ít nhất 3 tháng, hạn chế cho bé dùng đầu mút nhựa. Tránh không để trẻ mắc các bệnh cảm cúm có tính lây nhiễm, động viên trẻ thường xuyên rửa tay. Ngoài ra, bố mẹ cần lưu ý bệnh cảm cúm thông thường không chỉ tạo điều kiện cho bệnh viêm tai phát tác, mà còn khiến bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, sau 7 tuổi, hiện tượng viêm tai ở trẻ sẽ có xu hướng giảm dần.
Bệnh ung thư da
Bướu hắc sắc tố là một loại ung thư da hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Nếu bố hoặc mẹ bị bệnh này, tỉ lệ mắc bệnh ở con là 2-3%. Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh, tỉ lệ mắc bệnh ở con sẽ tăng lên 5-8%.
Giải pháp: Tránh không để trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời. 80% tổn thương da dẫn đến ung thư xảy ra trước 18 tuổi. Do đó khi cho trẻ ra ngoài, nên cho trẻ sử dụng kem chống nắng với chỉ số thấp nhất là SPF 15.
Bệnh tiểu đường
Tỉ lệ mắc bệnh này ở trẻ phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường mà bố mẹ mắc phải. Nếu bố mẹ đều mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, tỉ lệ di truyền sang con sẽ khoảng 1/4. Với bệnh tiểu đường tuýp 2, là loại bệnh liên quan đến cân nặng, tỉ lệ di truyền lại càng cao. Nếu bố hoặc mẹ mắc tiểu đường tuýp 2, tỉ lệ di truyền sang con là 1/7 – 1/3. Nhưng nếu cả 2 bố mẹ đều mắc bệnh này, tỉ lệ di truyền sẽ là 1/2.
Giải pháp: Theo các nghiên cứu, liên tục cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu, sau đó mới cho ăn ngoài có thể phần nào giảm bớt tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, cần đảm bảo cho trẻ chế độ vận động phù hợp để tránh bị tích mỡ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng phong phú, ăn nhiều rau quả để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thị lực kém
Những trẻ có bố mẹ bị thị lực kém từ khi còn nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nếu bố mẹ từ nhỏ đã phải đeo kính cận, tỉ lệ bị cận ở con cũng sẽ cao hơn 6 lần so với người bình thường.
Nếu bố hoặc mẹ từ nhỏ đã bị thị lực kém, con trong tương lai cũng có khả năng bị thị lực kém cao gấp đôi người bình thường.
Giải pháp: Tốt nhất nên đảm bảo cho con bạn được các bác sỹ chuyên khoa mắt kiểm tra mắt thường xuyên khi còn nhỏ. Nếu trẻ có biểu hiện bị thị lực kém, tốt nhất nên trị liệu từ trước 3 tuổi để có hiệu quả tốt nhất.
Bệnh dị ứng và hen suyễn
Trẻ có bố mẹ bị dị ứng với lạc, phấn hoa, bụi…có khả năng bị bệnh cao nhất. Nếu chỉ bố hoặc mẹ bị hen suyễn hoặc dị ứng, tỉ lệ di truyền sang con là 30-50%. Nhưng nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh trên, tỉ lệ di truyền có thể cao đến 80%.
Giải pháp: Theo nghiên cứu mới nhất, sữa mẹ có thể phòng ngừa tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng. Nếu những gia đình có tiền sử bị bệnh, không thể nuôi bé bằng sữa mẹ, nên chọn cho bé loại sữa bột có ít chất gây dị ứng. Ngoài ra, tốt nhất không nên cho trẻ ăn các chế phẩm từ sữa trước 1 tuổi, không cho trẻ ăn lòng trắng trứng trước 2 tuổi, và không cho trẻ ăn dầu lạc và hải sản trước 3 tuổi. Bố mẹ cũng cần lưu ý tránh không cho trẻ tiếp xúc với phấn hoa hoặc vật nuôi trong nhà để giảm tỉ lệ phát bệnh.
Bệnh béo phì
Khoảng 70% trẻ có bố mẹ đều bị béo phì mắc bệnh n ày. Nếu chỉ bố hoặc mẹ bị béo phì, khả năng trẻ bị béo phì là 40%.
Giải pháp: Bố mẹ nên làm gương cho con, bởi trẻ dễ có thói quen bắt chước theo chế độ ăn uống và vận động của cha mẹ. Theo các bác sỹ, bố mẹ nên hạn chế không cho trẻ uống các loại thức uống có đường, ít cho trẻ ăn đồ ngọt. Sau 2 tuổi, nên cho trẻ kiểm tra sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện ra triệu chứng.
Bệnh cao huyết áp và mỡ máu
Những trẻ có bố mẹ mắc một chứng bệnh nào đó liên quan đến tim mạch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh cao huyết áp hoặc mỡ máu cao, tỉ lệ mắc bệnh ở con là 50%. Nếu cả bố và mẹ đều bị huyết áp cao hoặc mỡ máu cao, tỉ lệ này ở con sẽ là 75%.
Giải pháp: Bố mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra sức khoẻ về các bệnh có liên quan. Theo các bác sỹ, những bé từ 3 tuổi trở lên nên được kiểm tra huyết áp định kỳ. Nếu chỉ số mỡ máu của bố mẹ cao (>=180mg/dl), hoặc trong bố mẹ , ông bà ngoại, hay ông bà nội có người từng bị bệnh tim mạch, tốt nhất trước khi trẻ 5 tuổi, nên đưa bé đi kiểm tra sức khoẻ.
Bệnh cao huyết áp và mỡ máu cao cũng có liên quan đến chế độ ăn uống. Do đó khi trẻ bước qua thời kỳ sơ sinh, nên đảm bảo cho bé đủ chất dinh dưỡng cân bằng mỗi ngày, và hàng ngày đều vận động để tránh bị tích mỡ.