Cuộc sống ngày càng đa dạng, đó là một xu thế không thể đảo ngược và chất lượng cuộc sống hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng lựa chọn của chúng ta. Hãy hướng dẫn con chọn sách và trò chuyện với chúng mỗi khi chúng đọc xong một tác phẩm nào đó, để xem nhận thức của trẻ đến đâu.
Con ham đọc sách, tôi cũng lo…
Một bà mẹ than thở với chúng tôi: “Bọn trẻ không đọc truyện tôi cũng lo mà ham đọc quá tôi cũng lo”. Nguyên cớ là nhiều truyện dành cho trẻ em bây giờ, nhất là truyện tranh, đã nhuốm màu bạo lực và gợi dục, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng về tác động của chúng lên hành vi và nhận thức của con em.
Hai kiểu bạo lực?
Đến đây, bạn có thể đặt câu hỏi, thế nào là bạo lực? Liệu việc những con người lương thiện trong các câu chuyện cổ tích cũng ra tay hành xử theo luật… giang hồ với kẻ ác có phải là bạo lực không? Cô Tấm xui em tắm nước sôi cho trắng da, em chết lại đem làm mắm biếu dì ghẻ; nàng hầu của Alibaba dội dầu sôi giết chết 39 tên cướp rồi dùng dao đâm chết tên tướng cướp còn lại…
Xét về bản chất hành vi bạo lực trong truyện cổ tích, ta nhận thấy đó là một hệ quả mang tính logic – phù hợp với quan điểm làm ác thì gặp ác. Giả sử đặt mình vào hoàn cảnh những nhân vật trong chuyện, có lẽ ta cũng sẽ phản ứng như thế thôi – đó được xem là một phản ứng tự vệ! Trong khi các hành vi bạo lực của các nhân vật truyện tranh đương đại thì không phải là một phản ứng mà là một thái độ, một tính cách. Đánh nhau sứt đầu mẻ trán chỉ để cho vui, để thỏa mãn tính “anh hùng” cá nhân, để lấy điểm với bạn gái hay để phục vụ cho những ý đồ thống trị con người và thế giới.
Ranh giới thiện – ác
So sánh mức độ bạo lực thì các câu chuyện cổ tích đều thua xa những câu chuyện gọi là dành cho trẻ em – đặc biệt là các loại truyện tranh Manga không những vừa dữ dội lại vừa thẫm đẫm những hành vi tình dục. Ngay cả những bộ truyện tranh được mệnh danh là có tính giáo dục cao như Đô-rê-mon, xét cho cùng, vẫn là những câu chuyện của quả đấm!
Bên cạnh đó, với mô-típ cổ điển thiện ác phân minh thì những kẻ ác trong truyện cổ tích là luôn luôn ác, còn người thiện thì tốt từ đầu tới cuối, rõ ràng và đơn giản. Điều này giúp cho đứa trẻ nào cũng hiểu và dễ dàng chấp nhận. Trong khi ở nhiều truyện tranh, ranh giới giữa ác và thiện rất mù mờ. Điều này có phần đúng với bản chất con người hơn – trong kẻ ác cũng có tính thiện và trong người thiện cũng có mầm ác. Thế nhưng, nó sẽ làm cho trẻ em, ở độ tuổi mà nhận thức còn non nớt, sẽ lẫn lộn và có thể chấp nhận những tay gian ác như một mẫu người mà mình có thể ngưỡng mộ và bắt chước!
Vì thế, truyện cổ tích vẫn có giá trị ở khía cạnh giúp cho con trẻ hiểu được một chân lý của cuộc đời, đó là cái gì cũng có cái giá phải trả của nó, để đứa trẻ còn thấy và tìm được niềm tin ở cuộc đời.
Giải tỏa xung năng
Ngày nay ai cũng thấy trẻ em “hình như” khôn lanh hơn, lớn trước tuổi nhiều và chính vì thế lứa tuổi thích truyện cổ tích giảm xuống. Các em cũng thích đắm mình vào thế giới kỳ ảo, nhưng đó là thế giới kỳ ảo của những siêu nhân, từ những cậu bé có sức mạnh thần kỳ cho đến những cỗ máy hoành tráng có khả năng làm nổ tung cả trái đất.
Điều này có một giá trị là khiến cho trẻ nuôi những ước mơ đại loại như: Giá mình có cái túi thần của mèo Đô-rê-mon thì hay biết mấy, sẽ không ai dám coi thường hay bắt nạt mình nữa. Nó cũng làm cho các em thỏa mãn phần nào những xung năng trong người, thỏa mãn những ước mơ về một sức mạnh vạn năng mà mình có thể hóa thân vào trong vô thức.
Hãy cứ nên vui mừng khi con ham đọc sách. Cuộc sống ngày càng đa dạng, đó là một xu thế không thể đảo ngược và chất lượng cuộc sống hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng lựa chọn của chúng ta. Hãy hướng dẫn con chọn sách và trò chuyện với chúng mỗi khi chúng đọc xong một tác phẩm nào đó, để xem nhận thức của trẻ đến đâu. Cũng đừng nên cấm trẻ đọc truyện tranh một cách máy móc, trừ những bộ sách quá nhiều bạo lực và gợi dục, chỉ cần đặt lên giá sách của con mình những bộ truyện cổ tích bên những cuốn truyện tranh.