Nhiều nghiên cứu cho thấy, các hoạt chất trong gừng, bạc hà rất hiệu quả để chống lại hiện tượng ốm nghén. Nhiều chị em đã mách nhau sử dụng nhưng không chắc các chị em đã biết được những điều dưới đây về hai loại thảo dược này.
Tuy nhiên, gừng không phải lúc nào cũng an toàn. Đối với một số phụ nữ, dùng gừng có thể làm triệu chứng nặng hơn, gây ra các vấn đề mới như ợ nóng, thậm chí là nguy hiểm. Bởi vì theo Đông y, gừng có vị nóng. Nếu bạn đang “nóng trong” mà dùng gừng sẽ khiến bệnh nặng hơn. Gừng sẽ phù hợp nếu bạn thuộc “thể hàn”.
Ngay cả khi gừng hợp với bạn thì bạn cũng nên tránh bánh quy gừng. Nguyên nhân là bánh quy nhiều đường, trong khi lượng gừng ít, không đủ để giảm nghén. Ăn nhiều đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu, không tốt cho phụ nữ mang thai.
Bạn có thể pha một vài lát gừng khô với nước sôi, chờ nguội; sau đó, pha loãng và nhấm nháp cả ngày. Ngoài ra, bạn có thể mua viên nang gừng được bán tại một số nhà thuốc. Trà gừng cũng tốt cho bạn nhưng nhớ làm theo cách trên, để nguội và pha loãng.
Lưu ý với gừng
Không nên lạm dụng gừng vì nó có thể gây rối loạn cơ chế đông máu. Không dùng gừng kéo dài liên tục vài ngày. Tốt hơn là hỏi ý kiến bác sĩ về thời gian và liều lượng dùng gừng khi nghén. Bạn không nên dùng quá 3g gừng tươi trong một ngày.
Nếu bạn đang dùng các loại thuốc chống đông máu, aspirin hoặc các thuốc khác tương tự, nên tránh gừng hoàn toàn.
Lưu ý với bạc hà
Khác với gừng, theo Đông y bạc hà có tính hàn (lạnh) nên hợp với người “thể nóng”. Nếu bạn thấy nóng nực, muốn cởi bỏ quần áo, thèm đồ uống mát, mặt nóng đỏ, bứt rứt, nóng nảy thì bạc hà hợp với bạn.
Hãy thử nhấm nháp kẹo viên bạc hà, kẹo cao su bạc hà. Trà bạc hà cũng hữu ích nhưng cần lưu ý lượng caffein trong trà đối với phụ nữ mang thai. Tinh dầu bạc hà không thích hợp với tất cả thai phụ vì mùi của nó có thể khiến cơn nghén nặng hơn.