Nuôi dạy con không bao giờ là điều dễ dàng và hiểu được tâm tư nguyện vọng của con để hướng trẻ tới những điều nên làm lại là điều càng khó khăn. Nhiều lúc bố mẹ chỉ vì nghĩ tốt cho con mà dùng quyền lực để áp đặt trẻ, vậy điều đó có thật sự là đúng đắn?
Nhìn đồng hồ đã quá giờ đón con đến gần nửa tiếng, chị Thủy vội vội vàng vàng tắt máy, ra lấy xe và phóng vội đến trường con. Con gái chị năm nay lớp 8. Con bé không học giỏi lắm, lại hơi nhút nhát nhưng được cái biết nghe lời mẹ và có tinh thần học tập. Vì nhà xa trường học, nên ngày nào chị nhận trách nhiệm đưa đón con đi học.
Mặc dù là nhân viên hành chính, công việc cũng không quá bận rộn nhưng đôi lúc chị không đến đón con kịp giờ. Và lần này chị cũng đón con muộn. Nhưng chưa bao giờ chị thấy con gái phàn nàn gì về chuyện chị đến muộn cả.
Vừa kịp đến cổng trường, nhìn dáo dác không thấy con đâu, chị Thủy vội vàng dựng xe chạy vào hỏi bảo vệ. Đang ngó nghiêng thì chị thấy con gái đang ngồi chuyện trò với mấy đứa bạn khác. “Có thể mấy đứa cũng đang chờ bố mẹ đón”, chị Thủy nghĩ. Chị rón rén lại gần định sẽ cho con bất ngờ, nhưng câu chuyện của bọn trẻ còn làm chị bất ngờ hơn.
– “Sao cậu không bảo bố mẹ sắm cho cái điện thoại. Những lúc mẹ cậu đến muộn như này, điện thoại thông báo cũng tốt hơn mà”, một cô bạn nói.
– “Bố mẹ tớ nghiêm khắc lắm, cũng ‘ki bo’ với tớ nữa”.
– “Có mỗi cô con gái cũng ki bo. Với cả, sắm điện thoại để liên lạc chứ có phải cậu đua đòi điện thoại sành điệu đâu. Cậu ngoan thế cơ mà”.
– “Tớ có cảm giác bố mẹ tớ không tin tưởng tớ, không dám để tớ tự quyết điều gì bao giờ. Đã thế còn rất hay nói tớ vô tích sự. Tớ cảm giác tớ là con nuôi của bố mẹ tớ”.
Tiếng cô con gái làm chị Thủy giật mình. Chị giận lắm, định xông vào mắng cho con gái một trận. “…mang nặng đẻ đau ra nó, nuôi nấng nó đến từng này, vì sợ nó đi học vất vả nên phải đưa đi đón về… thế mà nay nó lại bảo vợ chồng chị coi nó như con nuôi… thật không đứa nào vô ơn hơn…”, chị vừa nghĩ vừa bực.
– “Tớ biết bố mẹ tớ yêu thương tớ, nhưng mà bố mẹ cứ như kiểu nuôi vì trách nhiệm ấy, chẳng quan tâm đến tâm tư của tớ đâu. Tớ thích học vẽ, không thích học nhạc, nhưng bố mẹ tớ thì ngược lại, nên bắt tớ học nhạc, không đồng ý cho tớ học vẽ. Tớ muốn được đọc sách văn thì mẹ bảo phải học toán thật giỏi để sau này còn làm kinh tế. Tớ mơ ước sau này được trở thành giáo viên, nhưng bố mẹ bảo, giáo viên để làm gì, sau này phải thành doanh nhân thành đạt, kiếm tiền như nước… Thế nên cứ thấy tớ điểm kém là bố mẹ lại mắng tớ không tiếc lời. Tớ buồn lắm”.
– “Sao cậu không nói với bố mẹ?”
– “Tớ nói rồi, nhưng bố mẹ nói tớ không biết gì. Tớ mà cãi nữa là bố mẹ đuổi tớ đi đấy. Tớ buồn lắm, nên càng không có tâm trí học tập”.
Chị Thủy chợt nhớ lại, rất nhiều lần chị bắt con gái đi học nhạc, nó học không đến đâu, mấy tháng trời không đánh được bài hát nào làm chị bực mình vô cùng. Chị mắng con là “ăn hại”. Những lần con mang bài kiểm tra toán bị điểm kém về, chị lại mắng con xơi xơi là “uổng phí tiền của bố mẹ mà không làm nên trò trống gì”… Những lúc như vậy, con gái chị vừa mếu máo khóc vừa xin lỗi mẹ. Thương con lắm nhưng chị tự an ủi mình: “Có thế con mới cố gắng mà phấn đấu lên được”. Bây giờ nghe được những câu này của con, chị mới biết là con phải chịu áp lực quá lớn.
– “Giờ tớ cứ sống như qua ngày thôi, không quan tâm gì hết. Kệ, đến đâu thì đến”.
Giật mình, chị Thủy không ngờ con gái mới vài tuổi đầu mà đã có suy nghĩ cực đoan như vậy. Ý định xông vào mắng con của chị bay biến đâu hết.
Chị lặng lẽ lùi ra xa để giả vờ như vừa đến và cất tiếng gọi con thật to. Vừa lùi lại chị vừa nghĩ không biết vợ chồng chị đã làm đúng hay không. Thực ra, anh chị cũng chỉ mong muốn những điều tốt nhất cho con, con gái anh chị còn nhỏ dại, anh chị sợ nó chưa phân biệt được tốt xấu nên anh chị phải bao bọc con, quyết định mọi thứ thay con là đúng, chứ đâu thể coi là không quan tâm đến con.
Càng nghĩ chị Thủy càng thấy rối. Đang mải mê suy nghĩ thì tiếng con gái làm chị giật mình: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con ở đây”. Nghe giọng thân thương chị thoáng nhận ra là hình như chị đã sai.