Phụ nữ có thai, thai động cảm thấy như thai sa xuống, hoặc hơi mỏi lưng, đau bụng và trong âm hộ có chút ít huyết dịch chảy ra gọi là thai động không yên.
Động thai, tiểu sản hoặc đẻ non do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
Khí huyết hư nhược: Có thai ra huyết từng giọt, lưng mỏi, bụng trướng hoặc đau, sắc mặt xanh, da khô, miệng nhạt, không muốn ăn, thai động.
Tỳ hư: Thai động, sa xuống, lưng mỏi, bụng trướng yếu sức, tinh thần mệt mỏi, đại tiện lỏng, ra khí hư.
Thận hư: Thai động không an, lưng mỏi, chân tay yếu, đầu váng, tai ù, đái són.
Can uất khí trệ: Thai động, bụng đau, âm hộ ra huyết, ngực sườn trướng đau, tinh thần uất ức.
Âm hư huyết nhiệt: Người gầy, sắc khô, phiền nhiệt, hai gò má đỏ ương, lòng bàn tay chân nóng, bụng đau, thai động.
Ngoài ra còn có thể do té ngã làm động thai, sẩy thai.
Để phòng động thai, sẩy thai ngay từ khi có thai nên ăn uống bồi bổ đúng cách như dưới đây:
Cháo gạo nếp đẳng sâm, đỗ trọng: Cho 2 vị thuốc vào trong túi vải, cho cùng với gạo nếp vào nồi, cho nước vào nấu thành cháo là ăn được.
Canh hạt sen, trần bì, tô cảnh: Hạt sen 60g, tô cảnh 10g, trần bì 6g, hạt sen bóc vỏ bỏ tâm cho vào nồi, cho nước đun chín được 4, 5 phần thì cho tô cảnh, trần bì vào, đến khi hạt sen chín kỹ là được.
Nước áo ngô: Sau khi có thai, mỗi ngày dùng áo ngô sắc uống, đến đúng thời kỳ đã bị say thai lần trước thì tăng lượng lên gấp đôi, uống đến khi đẻ mới thôi.
Canh trứng gà ngải cứu: Lá ngải 50g, trứng gà 2 quả, đường trắng một ít. Lá ngải cho nước vừa đủ nấu canh, đập trứng vào đun chín, cho đường trắng vào khuấy tan. Hằng ngày uống trước khi đi ngủ.
Canh gà mái, cá mực: Gà mái 1 con (làm thịt, rửa sạch) cá mực 1 con cho nước vào hầm nhừ, lấy nước canh đặc, cho 90 – 150g gạo nếp vào nấu chín, cho muối gia vị vào ăn. Thịt gà, cá mực khô ăn bất cứ lúc nào. Sau khi mang thai nên ăn thường xuyên, lượng không hạn chế, qua thời kỳ bị say thai thường xuyên thì ngừng ăn.
Lương y Vũ Quốc Trung