Chuyện nuôi dạy con cái vừa có nhiều niềm vui, nhưng cũng không thiếu những lúc cha mẹ nóng giận đối với trẻ. Bạn hãy luôn nhớ rằng trẻ con cũng có những tình cảm riêng và cũng nhận biết đúng/sai không thua gì người lớn. Tâm hồn của chúng rất thơ ngây và trong sáng, chúng tiếp thu điều tốt rất nhanh và kể cả những thói xấu cũng nhanh không kém. Vậy nếu bạn làm một việc gì đó sai với con, hãy xin lỗi nếu có thể, đó chính là cách bạn giúp cho bé biết phân biệt phải trái và biết ứng xử trước lỗi lầm của người xung quanh cũng như của chính bản thân trẻ.
Sau bữa cơm như mọi bận, cả gia đình Cún lại quay quần bên nhau, mẹ thì hướng dẫn chị Bống chơi đồ hàng, còn Cún say sưa cùng bố với bộ xếp hình. Chẳng biết bố làm sai ý cu cậu thế nào mà Cún đứng lên quát to làm cả nhà sững người: “Bố hư lắm, bố ngồi ghế Tam Mao đi”.
Hóa ra, “ghế Tam Mao” là cái ghế mà cô giáo vẫn thường dành để phạt những bạn hư ở lớp mẫu giáo. Bố cuống quýt “Bố xin lỗi Cún nhé!” rồi vui vẻ ngồi vào cái ghế mây do con mang lại cho tới lúc Cún đồng ý cho bố đứng dậy mới thôi!
Còn chị Hiền Anh tâm sự rằng cũng có lần chị mắc lỗi với con. Chả là Bin vừa đi học về đã ào vào bếp khoe với mẹ điểm 10 môn Toán, mẹ vui lắm và hứa thưởng cho con một bộ logo xếp hình. Sau bữa cơm, con vẫn nhớ và nhắc mẹ chở đi mua nhưng vì đang bận lo cho em nên mẹ đã nói với Bin là:“Con không thấy mẹ đang bận à, không mua bữa nay thì bữa khác mua”. Và cu Bin nghe mẹ nói xong, mắt đã rơm rớm nước.
Không giận dữ, tức tối đập phá đồ đạc như các bạn khác, nhưng Bin đã giận mẹ không nói câu nào, lên giường nằm, trùm chăn kín mít. Mẹ càng nổi nóng hơn trước thái độ của con nên đã “tặng” Bin thêm một cái roi. Bin khóc to, tấm tức và cả uất ức nữa và hét lên: “Mẹ lừa gạt con, mẹ là người xấu, lúc nào mẹ cũng chỉ thương em Bo, mẹ không thương con”. Mẹ nghe con nói xong thấy hối hận vô cùng. Mẹ đã ôm con vào lòng, thầm thì nói lời xin lỗi. Có lẽ khi nghe mẹ xin lỗi, con thấy lòng nhẹ đi rất nhiều, bao uất ức tan đi nhanh chóng mà nụ cười đã nở trên môi Bin.
Cha mẹ thường dạy con cái khi làm sai hay không vâng lời phải biết xin lỗi. Ngay cả cha mẹ nếu có lỗi với ai ngoài xã hội cũng cảm thấy áy náy, nhanh nhanh tìm cách xin lỗi họ. Nhưng nếu cha mẹ có lỗi với con thì sao? Có phải xin lỗi con không? Và xin lỗi như thế nào đây?
Thậm chí, một số bậc phụ huynh còn “bảo thủ” nói rằng: “Tôi đẻ ra nó mà lại đi xin lỗi nó ư?”. Đừng quên rằng “Xin lỗi” và ” Cảm ơn” là cũng là một cách tôn trọng con và dạy con tôn trọng cha mẹ. Và qua cách được tôn trọng, con của chúng ta sẽ tự tin và trưởng thành hơn trong giao tiếp ứng xử. Với việc phạt bố ở “Ghế Tam Mao”, Cún sẽ tự tin vào quyết định của con hơn, con cũng có nhiều niềm vui hơn khi trò chơi tiếp diễn mà không bị gián đoạn bởi những cơn giận dữ bất thường. Bé Bin cũng sẽ chia sẻ với mẹ hơn về lý do chưa được nhận phần thưởng, và chắc chắn trong những lần vô tình bố mẹ thất hứa với con, con cũng có cách phản ứng nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần xác định “điểm dừng” cho các con trong mỗi lần xin lỗi con bởi nếu để con “lấn lướt” quá đà, sẽ là nguồn cơn gây ra tính ích kỷ ở trẻ. Bố mẹ hãy nói xin lỗi, nhưng cũng định hướng cho con, cần phải ứng xử thế nào trước những lỗi lầm của người xung quanh.