Dù là con trai hay con gái, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều cần được bố mẹ định hướng và tư vấn cách ăn mặc. Nhất là khi trẻ bước vào tuổi dậy thì – lứa tuổi bắt đầu biết chú ý đến hình thức bên ngoài. Với bé gái sẽ rất cần được mẹ hướng dẫn cách chăm sóc, làm đẹp. Sự chủ động của cha mẹ trong vấn đề này sẽ có tác dụng tốt đối với xu hướng thẩm mỹ của trẻ.
Bé Hồng Hoa, 12 tuổi (Dĩ An, Bình Dương) tâm sự: “Nhóm bạn chúng cháu ai cũng thích mặc áo dây, quần ngắn cho trẻ trung, ngộ nghĩnh phù hợp với lứa tuổi teen. Để hợp thời trang, cháu còn uốn tóc lọn xoăn xoăn và nhuộm vàng rất dễ thương. Vậy mà mẹ cháu bắt cháu phải cắt tóc ngắn, mặc áo quần kín đáo”.
Chị Hà Thu (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì… kể khổ: “Con gái tôi dạo này xao nhãng học tập, suốt ngày chỉ lo trau chuốt, chăm sóc thân hình và lựa chọn áo quần, đồ trang sức. Không biết nó học ở đâu cách ăn mặc không thể chấp nhận được. Áo không ra áo, váy không ra váy, trông thật ngứa mắt”.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ có nhu cầu làm đẹp là điều hết sức tự nhiên. Ở tuổi dậy thì, một số bé do thiếu hiểu biết và quá sa đà vào việc trau chuốt hình thức, số khác lại tỏ thái độ thờ ơ, dửng dưng, và quan niệm mặc sao cũng được. Nếu con bạn rơi vào một trong hai trường hợp trên đều đáng lo ngại.
Trẻ không thích ăn diện, vô tư trong ăn mặc khiến chúng dễ dãi trong cách chọn trang phục. Chúng không thích mặc quần áo mới và bắt mắt vì sợ mọi người chú ý. Việc này nếu kéo dài, khiến trẻ trở nên tự ti, nhút nhát, thiếu chủ động trong các mối quan hệ.
Với những trường hợp này, theo các chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện đưa trẻ đi mua sắm. Thông qua các dịp đó, trao đổi với con về kiểu cách các trang phục, chỉ cho trẻ thấy thật sự là “người đẹp vì lụa”. Bạn có thể minh chứng cho con bằng những bộ trang phục hợp thời và hợp lứa tuổi của mình. Thậm chí, bạn nên hỏi ý kiến con xem mẹ (ba) mặc thế này có được không. Khi trẻ thích bộ áo quần nào, bạn hãy để con tự quyết định, cha mẹ chỉ đóng vai trò tư vấn. Như thế, trẻ sẽ không cảm thấy bất tiện khi diện những bộ đồ mới. Đồng thời, cha mẹ có thể mua một số tạp chí, sách báo viết về thời trang tuổi teen để con bạn làm quen với cách ăn mặc phù hợp. Lưu ý, khi thấy con ăn mặc xuề xòa, chưa chỉn chu, bạn nên góp ý nhẹ nhàng, tế nhị. Để bé không mặc cảm, tránh chê bai con quê mùa, ăn mặc xấu xí trước mặt nhiều người. Bạn nên khen đúng lúc những khi bé mặc những trang phục đẹp mắt. Dần dần trẻ sẽ tự biết làm đẹp.
Với những bậc phụ huynh có con suốt ngày đứng trước gương ngắm nghía và làm đẹp thì cha mẹ cũng cần có cách ứng xử phù hợp, tránh làm bé nổi nóng, tự ái và bất hợp tác. Đa số trẻ học được cách làm đẹp từ bạn bè hay từ tạp chí thời trang nhưng thiếu sự định hướng của người lớn nên bé thường mặc không hợp với lứa tuổi. Cha mẹ cần chỉ bảo cho bé về ý nghĩa và cách thức của việc làm đẹp, “ăn cho mình, mặc cho người” là vậy. Đặc biệt, cần nhắc cho bé thấy ở lứa tuổi học trò, một khuôn mặt mộc mạc, tự nhiên, không trang điểm với những trang phục giản dị, hợp với lứa tuổi là đẹp nhất. Song, không được phủ nhận hoàn toàn sở thích ăn mặc cá tính của con. Không phải lúc nào cũng bắt buộc trẻ ăn mặc quá kín đáo, như vậy sẽ khiến chúng già trước tuổi. Những dịp trẻ dự tiệc hay liên hoan, cha mẹ hãy để trẻ thể hiện trong những trang phục tự chọn, nhưng đừng quá lòe loẹt hoặc hở hang. Bạn hãy giải thích với bé rằng như thế không những không đẹp mà còn gây phản cảm, thậm chí còn có hại cho bé.
Cha mẹ luôn là tấm gương cho con trong cách ăn mặc, bạn không thể tư vấn cho trẻ khi bản thân lại không biết chăm sóc bề ngoài. Hãy ăn mặc chỉnh tề, giản dị, không quá cầu kỳ, phô trương hình thức để trẻ noi gương. Khi thấy con có xu hướng quá điệu đà, bạn hãy vận động người thân khéo léo góp ý, bé sẽ ý thức hơn đến việc làm đẹp khi có nhiều người quan tâm đến mình.