Ngày nào tôi cũng đưa con đi ăn sáng. Cái cửa hàng bé nhỏ đó chỉ bán sơ sơ cháo, trứng vịt lộn, bánh cuốn… thế mà đông khách lắm, toàn khách nhí được bố mẹ đưa đến ăn sáng trước khi đi học. Cứ ngỡ cái không gian bé nhỏ đó chỉ đơn thuần chỉ là nơi bán hàng ăn thôi, nhưng sau vài lần đưa con đi ăn tôi nghiệm ra rằng đó cũng là nơi học được rất nhiều kinh nghiệm sống cho bản thân mình và để dạy con.
Vì là khách quen mỗi sáng nên gần như tôi nhớ những ai hay đến ăn cùng giờ với con nhà mình. Đầu tiên là một ông bố đưa đứa con gái tầm hơn 2 tuổi đến ăn cháo. Đứa bé còi lắm, nhưng lại được cái ngoan ngoãn và nghe lời bố. Ông bố dáng gầy gầy xương xương nhìn cũng vất vả, cần mẫn thổi nguội từng thìa cháo rồi đút cho con. Tôi ít thấy ông bố đó phải nịnh cho con như những nhà khác bao giờ. Một lần, tôi vô tình nghe được câu chuyện của hai bố con.
– Bố ơi, con không đi lớp đâu.
– Sao không đi lớp hả con? Ăn nhanh bố đưa đi lớp.
– Con không thích cô giáo, vì cô giáo hay bắt ngủ trưa lắm.
– Ngủ trưa càng tốt cho sức khỏe chứ con. Trẻ con mà không ngủ trưa là không lớn được đâu con ạ. Con gái bố phải mũm mĩm hơn nữa mới xinh hơn chứ.
– Nhưng con không thích cô giáo bằng mẹ. Con thích ở nhà với mẹ.
– Con nói thế là hư đấy. Cô giáo dạy con hát này, múa này, cho con chơi đồ chơi này, cô giáo cũng như mẹ con mà, con không được nói là ghét cô giáo, vì như thế là hư. Với lại mẹ còn phải đi làm lấy tiền mua sữa cho con mà. Nhớ chưa con?
– Con nhớ rồi ạ.
Câu chuyện của hai bố con diễn ra nhanh lắm, sau đó thì tôi thấy cô bé ngoan ngoãn lên xe theo bố đến lớp. Hai bố con đi rồi mà tôi vẫn nghe giọng ông bố vọng lại: “Con phải yêu cô giáo nhé”. Có ai ngờ được, một ông bố nhìn khô khan như vậy mà lại khéo dỗ con đến lạ.
Hôm sau, tôi gặp hai mẹ con, cũng là đứa con gái đi cùng mẹ ăn cháo trước khi đến lớp. Bà mẹ trẻ này nhìn rất sành điệu, váy ngắn, áo vải lanh mỏng, diêm dúa. Cô con gái cũng được mẹ cho ăn mặc rất điệu đà. Hai mẹ con nhà này chỉ đi ăn sáng nếu thấy sắp muộn giờ đi học của con nên tôi không gặp thường xuyên. Câu chuyện của hai mẹ con cũng làm tôi không thể không chú ý.
– Có phải đến lớp không?
– Tại sao không?
– Ghét đi lớp.
– Vì sao?
– Cô giáo không xinh, còn hay bắt đứng góc lớp vì tội đánh bạn, còn bắt con ăn. Con không thích ăn.
– Cô giáo bắt đứng lớp à? Cô giáo hư thật. Chỉ có Dím là ngoan.
– Ừ. Cô giáo hư. Ghét cô giáo!
– Đúng rồi, không yêu cô giáo nữa. Ăn nhanh, lát đến lớp mắng cho cô giáo một trận vì tội hư.
– Đập chết đi!
Thế là hai mẹ con cùng cười phá lên.
Quả là những điều nghe được này rất chướng tai. Tôi không nghĩ một người nhìn mĩ miều, có vẻ quý phái như vậy mà thốt ra những câu không “khớp” với người tẹo nào. Có ai lại dạy con là cô giáo hư, là mắng cô giáo một trận bao giờ cơ chứ. Đã thế, bà mẹ này còn liên tục nói trống không, con không nói vâng dạ cũng không uốn nắn, coi như đó là chuyện thường. Chắc hẳn, bà mẹ này không hề nghĩ, chính cái thái độ đó của mình vô tình làm cho con mình trở nên cộc cằn, khó tính và coi thường người khác sau này. Nghĩ lại bố con nhà nọ, tôi thoáng giật mình, không thể nào “trông mặt mà bắt hình dong” được.
“Dạy con từ thuở còn thơ”, cha ông ta đã vậy rồi, chẳng có sai bao giờ. Không cần nói đâu xa, cứ nhìn hai ví dụ điển hình trên tôi đã thấy mình học được bao nhiêu điều. Hai đứa trẻ ngang tuổi nhau mà một đứa thì nói năng ngoan ngoãn, bố nói đâu là vâng dạ đấy. Còn một đứa thì nói với người lớn lại không hề có dạ thưa, thậm chí còn tỏ ra không tôn trọng ngay chính cô giáo mình. Ai làm cho bọn trẻ trở nên như vậy? Bố mẹ chúng chứ ai.
Chớ nên coi thường chuyện nói chuyện thế nào với con. Trẻ con đang tuổi phát triển và hoàn thiện trí tuệ nên chúng có xu hướng làm theo những gì cha mẹ chúng làm, nói theo kiểu cha mẹ chúng nói. Nếu ai cũng nói chuyện với con bằng giọng nhẹ nhàng, có chủ ngữ – vị ngữ đầy đủ thì chắc chắn con cái sẽ không hình thành cho mình cách nói cộc cằn, thô lỗ và nói như ngày nay là “tinh vi”.
Con tôi cũng đã đến tuổi đến lớp, đến tuổi học nói và bắt đầu biết tư duy. Hai hình ảnh, hai bài học của ông bố, bà mẹ nói trên giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng dạy con sau này.