Sáng 15/4, Lễ công bố báo cáo tổng hợp về phòng chống tai nạn thương tích (PCTNTTTE) trẻ em ở Việt Nam do Bộ LĐ-TB& XH và Tổ chức UNICEF phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà nội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB& XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Chính sách quốc gia PCTNTTTE, với sự giám sát và phối hợp chặt chẽ của Ủy ban VHGDTNTNNĐ Quốc Hội, sự nỗ lực của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như: UNICEF, WHO …, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống thương tích nói chung và PCTNTTTE nói riêng. Cụ thể nhận thức của các cấp chính quyền, của cộng đồng về PCTNTTTE ngày càng được nâng cao, hầu hết các văn bản chính sách liên quan đến PCTNTTTE đã được rà soát, bổ sung chỉnh sửa… Đặc biệt, sự cam kết và phối hợp liên ngành trong PCTNTTTE ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình hình tai nạn, thương tích trẻ em đến nay vẫn chưa giảm. Đây thực sự là một vấn đề xã hội vô cùng bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống còn và phát triển của trẻ em, cần thiết phải có những can thiệp cấp bách với sự cam kết mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2010 là năm bản lề để chuẩn bị cho các chiến lược, chương trình hành động về bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và PCTNTTTE nói riêng trong giai đoạn 10 năm tiếp theo, vì vậy với việc tổ chức lễ công bố này, mong muốn sẽ hỗ trợ một cách hữu hiệu cho các nhà quản lý, các Bộ, ngành, đoàn thể và các tổ chức Quốc tế có bức tranh tổng thể về những can thiệp của Việt Nam đối với PCTNTTTE trong giai đoạn vừa qua và xác định các ưu tiên cho giai đoạn tới.
Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông Jean Dupraz cũng đã đưa ra 4 khuyến nghị mà báo cáo nhấn mạnh cần có sự lưu tâm đặc biệt.
Đó là, trước hết, cần xây dựng một kế hoạch hành động toàn diện về PCTNTTTE bao gồm những thay đổi về lập pháp, hành pháp và môi trường để trợ giúp cho các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức hiện tại.
Toàn cảnh Lễ Công bố. Ảnh: TH |
Thứ hai, cần tăng cường công tác điều phối liên ngành về phòng tránh TNTTTE ở tất cả các cấp.
Thứ ba, cần củng cố kiến thức và cơ sở thực tiễn để giải quyết vấn đề tai nạn thương tích trẻ em một cách hiệu quả.
Thứ tư, cần phải hoàn thiện việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khở, đặc biệt là sơ cấp cứu và các dịch vụ trước viện vì những dịch vụ này rất quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích gây ra ở trẻ em.
Tiến sĩ Phạm Việt Cường, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chấn thương cũng nêu lên một số can thiệp hiệu quả về PCTNTTTE trong phòng chống đuối nước; an toàn giao thông đường bộ; phòng chống ngộ độc; phòng súc vật cắn; phòng ngừa ngã và phòng chống bỏng như: dạy trẻ biết bơi, tất cả phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đóng gói sản phẩm an toàn cho trẻ em; tiêm phòng cho nhóm có nguy cơ bị súc vật cắn cao, tăng cường việc thực hiện các quy định an toàn trong việc xây dựng nhà ở và nhà cao tầng, tạp huấn về sơ cấp cứu bỏng…
Báo cáo tổng hợp về PCTNTTTE cho thấy TNTTTE đang trở thành mối quan tâm về y tế công cộng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tủ vong ở trẻ em và người chưa thành niên Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2007, ở Việt Nam, 7894 trẻ em và người chưa thành niên dưới 19 tuổi đã bị tử vong do TNTT, tương đương với hơn 21 em bị tử vong mỗi ngày.
Một số nghiên cứu cho thấy bé trai có nguy cơ bị tai nạn thương tích không gây tử vong cao hơn bé gái. Nguy cơ bị tai nạn thương tích ở khu vực nông thôn cũng cao hơn ở khu vực thành thị. Những nguyên nhân chính dẫn tới tử vong do tai nạn thương tích là: đuối nước, thương tích giao thông đường bộ, ngộ độc và ngã. |