Con trẻ thường hay học thói vòi vĩnh nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể đáp ứng mọi mong muốn của chúng. Đôi khi bạn cần nói ‘không’ trước yêu cầu của con nhưng đừng nên làm chúng thất vọng hặc buồn rầu.
Thỏa hiệp là sai lầm
“Con muốn rô bốt cơ…”, cậu bé hét to, chân dậm mạnh xuống đất bắt ba mẹ mua bằng được bộ đồ chơi trong cửa hàng. Càng dỗ dành, bé càng được thể gào lên, khóc nức nở. Nài nỉ không được, dọa nạt không xong, cuối cùng, đôi vợ chồng trẻ đành phải mua rô bốt cho cậu con trai 3 tuổi. Có được con robot trong tay cậu bé lộ vẻ hân hoan vui sướng, còn bố mẹ thì ngược lại bực bội, bất lực.
Những phản ứng thỏa hiệp như cặp vợ chồng trẻ trên đây là điều khá thường gặp. Đứng trước một đứa trẻ vòi vĩnh, bạn thường buông xuôi vì nhiều lý do khác nhau. Có người vì không muốn nhìn con khóc lóc, ăn vạ. Người thỏa hiệp để tránh đánh đòn con. Người lại làm theo yêu cầu của trẻ vì bất lực trong thuyết phục bé. Cũng có người đơn giản chỉ làm thế để cho yên chuyện. Có người thỏa hiệp với con ngay từ đầu nhưng đại đa số nói “không” rồi lại làm theo yêu cầu của trẻ.
Nói “không” với vòi vĩnh
Để làm được điều này, trước hết, bạn nên lắng nghe và dành thời gian suy xét lời đề nghị của bé, không nên phản ứng ra mặt ngay để từ chối. Tuyệt đối tránh thái độ gạt phắt: “Đòi cái vớ vẩn. Thôi đi” ngay khi vừa nghe con nói. Cách nói của cha mẹ đôi khi chính là ngòi châm cho sự giận dữ của trẻ chứ không phải yêu cầu không được đáp ứng. Hãy nói “không” bằng sự chân thành, coi trẻ như bạn. Ví dụ, bạn có thể nói: “Ở nhà con đã có rất nhiều robot rồi, mua thêm ngay bây giờ có cần thiết không?” hay cụ thể: “Tuần này mẹ chỉ có 50.000 đồng mua đồ chơi, đầu tuần mẹ mua hết siêu nhân cho con rồi.”
Trước mỗi đòi hỏi của con, bạn cũng nên phân tích cụ thể để trẻ hiểu tại sao yêu cầu không được đáp ứng. Khi bé có thể dự đoán được quyết định của cha mẹ, bạn hãy khẳng định câu trả lời “không”. Đồng thời, hướng trẻ vào cái khác, có thể đáp ứng được, lại phù hợp hơn. Hoặc bạn gắn nó với một thời điểm mua khác. Đó có thể là quà sinh nhật, là phần thưởng do sự nỗ lực trong ăn uống, đi học của trẻ, chứ không phải cứ muốn là được.
Cuối cùng bạn cần kiên nhẫn trước sự phản ứng của bé, không nên quá dễ dàng thay đổi câu trả lời “không” thành “có”. Điều này chỉ khiến trẻ càng “lấn át” hơn thôi.
2 bước nói không với “vòi vĩnh”
Chuẩn bị tâm lý: Đừng nghĩ nếu mình không đáp ứng yêu cầu của con, bé sẽ bị tổn thương. Ngược lại, đây là cơ hội để bạn giảng giải, bồi dưỡng cho con sự kiên nhẫn, biết cảm thông với hoàn cảnh của gia đình.
Nhượng bộ tạm thời: Khi trẻ muốn một thứ gì mà bạn không thể đưa, hãy nói với con rằng: “Mẹ chỉ có thể cho con mượn chơi một lúc rồi trả lại mẹ nhé”. Sau đó, khi trẻ chơi được một lúc thì nhắc bé trả lại cho bạn.
cao minh sơn đã bình luận
chào bác sỹ ! cháu nhà tôi nay được hơn 5 tháng tuổi.
cháu chỉ có cân nặng là 6,4kg nhưng cháu lật rất khỏe và có thể nhảy khi nghe nhạc(có người giữ eo của cháu).bắt đầu từ tháng thứ 5 tôi đã cho cháu ăn thêm bột ngọt.
nay vợ chồng tôi phải đi làm từ 4h sáng đến 12h trưa. tôi có 2 câu hỏi xin bác sỹ giải đáp vì chúng tôi rất lo khi phải đi làm khi con còn quá nhỏ.
1 . chúng tôi cần phải làm gì để cải thiện về cân nặng của cháu ?
2. thời gian từ 4h – 12h vắng nhà thì chúng tôi cần phải làm thế nào ?
kính mong bác sỹ tư vấn giúp đỡ ! gia đình xin chân thành cảm ơn !
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Lần hỏi sau bạn nhớ xác nhận hộp thư. Bạn chưa thông tin đầy đủ giới tính và cân nặng lúc sinh của bé, MYC chỉ có thể nói chung là theo kênh dinh dưỡng chuẩn (khi sinh nặng 3200-3300gr) bé thiếu khoảng 400-800gr (tùy theo giới tính). Để cải thiện cân nặng của bé, bạn vẫn nên duy trì chế độ sữa mẹ là chính và bổ sung 1- 2 bữa sữa công thức (sáng/chiều), bột dặm chỉ 1 bữa vào buổi chiều khi bạn ở nhà có thời gian chế biến thịt (các loại), tôm, cua, cá… Đến 7 tháng thì tăng 2 bữa bột, 8 tháng 3 bữa và từ 9-12 tháng là 4 bữa với số lượng từ 150-250ml mỗi bữa. Thời gian bạn đi làm bé còn ngủ chưa bú mẹ được thì nên vắt sữa mẹ để tủ lạnh, khi cho bé ăn ngâm nóng rồi đổ thìa hoặc bú bình. Dặn người nhà trông bé cho tắm nắng 15-20 phút trong khoảng 9h30-10h sáng hoặc buổi chiều khi bạn ở nhà khoảng 15h-15h30. Khi đi làm về bạn nên cho bé bú ngay, đảm bảo 6 bữa bú mẹ/ ngày (kể cả bữa vắt sữa để ở nhà).