Ở bài trước, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn thông tin về tổng quan và triệu chứng của chứng khó đọc. Trong bài này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về nguyên nhân và các biện pháp giúp trẻ khắc phục tình trạng khó đọc ở trẻ.
Nguyên nhân của chứng khó đọc
Hiện nay rất khó để phát hiện ra nguyên nhân chính xác của chứng khó đọc. Tuy nhiên, nó được cho là gây ra bởi sự khác biệt trong cách xử lý thông tin của não, đặc biệt là về ngôn ngữ. Hầu hết các chuyên gia cho rằng chứng khó đọc xảy ra một phần vì sự khác biệt sinh lý hoặc sinh học, và một phần chịu ảnh hưởng của môi trường sống, môi trường giáo dục trẻ, đặc biệt là môi trường trong gia đình.
Một số chuyên gia cho rằng chứng khó đọc mà chủ yếu liên quan tới khả năng liên kết các từ của não. Bộ nhớ ngắn hạn cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong chứng khó đọc.
Chẩn đoán chứng khó đọc
Nếu bạn nghi ngờ con bạn mắc chứng khó đọc thì bạn nên đưa trẻ đến các bệnh viện nhi, các cơ sở y tế nhi khoa có uy tín, các bác sỹ tâm lý trị liệu để được chẩn đoán và điều trị. Có thể trẻ có một vài triệu chứng nào đó của chứng khó đọc nhưng chưa chắc trẻ đã mắc bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng nhỏ và nó sẽ qua đi khi trẻ lớn hơn. Chứng khó đọc của trẻ cần được theo dõi và chẩn đoán trong một thời gian để phát hiện chính xác tình trạng bệnh lý và có phương pháp điều trị.
Cha mẹ cần làm gì để giúp đỡ trẻ?
Với sự hỗ trợ chuyên gia, hầu hết những trẻ mắc chứng khó đọc có thể học đọc và viết hoàn toàn tốt. Nếu bạn phát hiện trẻ có khả năng mắc chứng khó đọc thì cần đưa trẻ đi khám và điều trị càng sớm càng tốt. Đồng thời với việc chữa trị cho trẻ thì cha mẹ cần phối hợp với các giáo viên của trẻ và những người thường xuyên gần gũi chăm sóc trẻ để giúp trẻ kiểm soát và điều trị chứng bệnh trên.
Một số người bị chứng khó đọc rất nhạy cảm với ánh sáng hoặc màu sắc nhất định. Bạn nên chọn cho trẻ vị trí học có ánh sáng vừa đủ, giấy viết không lóa, không chói, nếu trẻ gặp các vấn đề về mắt thì cần kịp thời đi cắt kính cho trẻ.
Những lời khuyên sau đây có thể hữu ích dành cho các bậc phụ huynh có con mắc chứng khó đọc:
– Tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan đến chứng khó đọc của trẻ.
– Thường xuyên nắm bắt tất cả những thông tin về các hoạt động của trẻ ở nhà hay ở trường học hoặc trong việc chơi với bạn.
– Ghi lại những thông tin về trẻ như cách trẻ xử lý các tình huống, trạng thái cảm xúc của trẻ. Đây thực sự là một việc làm hữu ích để giúp bạn có đủ các thông tin cung cấp cho các bác sỹ điều trị cho trẻ.
– Giúp trẻ hòa nhập vào các nhóm bạn để chơi đùa, theo dõi và tham gia vào một số trò chơi với trẻ để gần gũi trẻ và nắm bắt thông tin về trẻ tốt hơn.
– Hãy liên lạc và tham gia sinh hoạt nhóm cùng các phụ huynh khác có con em mắc chứng khó đọc để có thêm kinh nghiệm điều trị cho trẻ.
– Đọc to cho trẻ mỗi ngày – điều này sẽ giúp trẻ xây dựng vốn từ vựng của mình và phát triển khả năng của mình để hiểu ý nghĩa của từ và cụm từ.
– Thiết lập một thói quen làm bài tập tốt.
– Hãy chắc chắn rằng con của bạn hiểu được yêu cầu công việc.
– Giúp con bạn lên kế hoạch làm bài tập về nhà và các kế hoạch thời gian biểu sinh hoạt.
– Tin tưởng vào khả năng của trẻ, khích lệ trẻ để trẻ tự tin hơn.
– Nói chuyện với trẻ về chứng khó đọc của trẻ và khuyến khích trẻ để trẻ nói lên cảm xúc của trẻ..
– Khuyến khích, động viên trẻ khi trẻ có một sự tiến bộ nào đó trong việc cải thiện chứng khó đọc dù là nhỏ nhất.
– Chỉ ra những ích lợi của việc cải thiện được chứng khó đọc.
– Giúp trẻ nhận thức được chứng khó đọc của mình và đây không phải là một hành vi đáng xấu hổ.