Bạn có bao giờ cáu giận vì đứa con của mình cứ liên tục “quấy” bạn bằng những câu hỏi, thậm chí một câu hỏi đó nhưng hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Bạn nên mừng với những câu hỏi đó. Nó chứng tỏ đứa bé đang phát triển tốt và rất ham học hỏi. Bạn nên khuyến khích và hướng dẫn bé đặt vấn đề và nêu câu hỏi.
Hướng dẫn trẻ cách đặt các câu hỏi
Ba tuổi là giai đoạn phát triển đặc biệt của trẻ. Lúc này tính cách của trẻ đang dần được định hình, vì thế trẻ sẽ tỏ ra bướng bỉnh, thích làm theo ý mình, nói nhiều hơn và đặc biệt là trẻ sẽ hỏi rất nhiều, thậm chí vừa hỏi xong lại hỏi lại.
Trẻ nói nhiều, hỏi nhiều như vậy đôi khi làm người lớn mất kiên nhẫn và có thế dẫn đến quát mắng trẻ… Việc trẻ hỏi nhiều có thể làm người lớn khó chịu, nhưng đó là cách chứng tỏ con của bạn đang phát triển. Vậy, cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý lứa tuổi của trẻ để có cách ứng xử phù hợp.
Hỏi nhiều là thông minh?
Trẻ càng thông minh thì càng ham hỏi. Và để hiểu được mọi thứ trong thế giới này thì không có con đường nào hay hơn là biết cách đưa ra câu hỏi hay. Vậy, kỹ năng hỏi có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, vì thế khi trẻ lên ba tuổi là giai đoạn tốt nhất để bạn hướng dẫn trẻ cách đặt câu hỏi với mọi người trong các tình huống cụ thể.
Nếu vì quá bận rộn với công việc mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc đến con, không khuyến khích trẻ đưa ra các câu hỏi cũng như không trả lời hoặc trả lời qua quýt các câu hỏi mà trẻ đưa ra thì sẽ khiến con bạn dần mất đi nhu cầu học hỏi và trẻ sẽ trở nên tự ti, thụ động, kém hoạt bát, sau này lớn lên sẽ không dám đặt câu hỏi với thầy cô để hiểu sâu các vấn đề mà mình quan tâm; không dám đặt câu hỏi với chính mình để tự vấn và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả…
Trẻ lặp lại các câu hỏi
Ở lứa tuổi lên ba, trẻ thường lặp lại các câu hỏi, vì thế có thể trẻ vừa hỏi xong lại dùng chính câu hỏi ấy để hỏi cha mẹ. Có rất nhiều lý do khiến trẻ lặp lại các câu hỏi như vậy. Có thể là do trẻ chưa nghe rõ, chưa hiểu ý trả lời của người lớn và cũng có thể chỉ đơn giản là trẻ muốn được nói chuyện, gần gũi cha mẹ; muốn cha mẹ quan tâm, để ý đến mình hơn…
Lên ba là lứa tuổi trẻ đi mẫu giáo nên cả ngày xa phải xa cha mẹ, do vậy trẻ sẽ cảm thấy thiếu đi tình thương yêu, sự quan tâm của cha mẹ nên khi gặp cha mẹ, trẻ muốn được ôm hôn, nói cười, nhìn vào mắt của trẻ… Khi trẻ được thoả mãn các nhu cầu của mình, trẻ sẽ chơi ngoan và đỡ quấy rầy người lớn. Cha mẹ nên hiểu tâm lý này của trẻ và dành thời gian để trò chuyện, ôm ấp trẻ… để trẻ thỏa mãn và yên tâm khi chơi.
Ngược lại, nếu cha mẹ quá bận rộn với công việc, không chú ý đến trẻ, trẻ sẽ tìm mọi cách để thu hút sự quan tâm, chú ý của cha mẹ như: ôm chân, nhõng nhẽo, đòi hỏi cái này, cái kia và liên tục đưa ra các câu hỏi để buộc cha mẹ phải nói chuyện cùng…
Giúp trẻ biết cách đưa ra các câu hỏi
Đây là một việc vô cùng cần thiết đối với trẻ. Cha mẹ có thể trẻ dạy đưa ra các câu hỏi đơn giản như: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao, như thế nào? Sáu câu hỏi cơ bản này sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều trong việc khám phá thế giới quanh mình. Sau khi hướng dẫn, cha mẹ hãy cùng trẻ thực hành trong mọi tình huống có thể.
Lưu ý: Khi trẻ đưa ra các câu hỏi ngây ngô, cha mẹ tuyệt đối không được cười hoặc chê bai trẻ mà cần khen ngợi và giúp trẻ đặt lại câu hỏi cho đúng, trả lời trẻ một cách đơn giản, dễ hiểu.
Với trẻ ít nói, người lớn cần đặt câu hỏi cho trẻ trả lời, từ đó khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và trẻ sẽ học được cách đặt câu hỏi từ người lớn. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi con: “Con có biết tại sao cần uống sữa không?”, “Con ơi, hôm nay con đi học có vui không?… và chúng ta sẽ cùng trẻ trả lời.
Cha mẹ nên trả lời các câu hỏi của trẻ như thế nào?
Nếu trẻ chủ động đưa ra các câu hỏi thì người lớn cần phải mừng rỡ vì trẻ là người ham học hỏi, khám phá. Do vậy, cha mẹ dành nhiều thời gian để gần gũi và quan tâm đến trẻ.
Thông qua các câu hỏi, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều hay, vì thế cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách đặt câu hỏi ngay từ khi còn nhỏ, giúp trẻ hình thành thói quen khi muốn tìm hiểu một vấn đề nào đó.