Cho bé làm quen với các chữ cái và thói quen học tập khi lên bốn tuổi là thời điểm tốt nhất. Đây là thời kỳ mà tri giác hình ảnh của trẻ phát triển rõ nhất, chính xác nhất, khả năng nhận mặt chữ của trẻ rất tốt. Việc cho trẻ làm quen với các chữ cái vào thời kỳ này sẽ trang bị cho trẻ một nền tảng vững chắc để trẻ bước vào lớp 1 khi lên 6.
Những chú ý dành cho cha mẹ
– Trước khi dạy chữ cho bé, cha mẹ cần lưu ý đến trí lực của trẻ.
– Trẻ cần được bồi dưỡng khả năng quan sát, chú ý, tư duy, ghi nhớ…và giúp trẻ hình thành những thói quen, sở thích tốt cho cuộc sống.
– Tuyệt đối không được la mắng, mà hãy tạo hứng thú về học tập cho trẻ ngay từ đầu.
– Nếu chỉ đơn thuần dạy chữ cho trẻ, không quan tâm đến các yếu tố trên, rất có thể sẽ làm tổn thương đến trí lực của trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải tuỳ thuộc vào đặc điểm tâm lí, sức khoẻ của trẻ mà có những cách thức tiến hành phù hợp, giúp trẻ làm quen với chữ cái một cách tốt nhất.
Chọn thời điểm dạy cho trẻ
– Thời điểm thích hợp để dạy trẻ là từ 4 – 6 tuổi.
– Không nên dạy trẻ học vào những lúc: đang đói, ốm, mệt, hờn dỗi hoặc buồn ngủ…
– Nên dạy trẻ học vào lúc: sức khoẻ và trạng thái tinh thần tốt nhất. Dạy trẻ bằng cách chơi cùng bé và thông qua những trò chơi như: vẽ, nặn, gọi tên các vật, đóng vai… để giúp trẻ làm quen với các chữ cái.
Làm quen với các nét trước chữ cái
Mới đầu, cha mẹ hãy cho trẻ làm quen với những nét lên, xuống, móc, cong… Ví dụ: Bạn dạy cho trẻ hiểu thế nào là “lên”, “xuống” thông qua hành động nhảy, điều đó sẽ khiến trẻ thích thú hơn rất nhiều, vì chúng đã hiểu được khái niệm “lên” và “xuống”. Sau đó, bạn có thể chỉ cho bé thấy chữ M “lên, xuống, lên, xuống” và việc tập viết có thể liên hệ với một vận động cơ thể thú vị. Và sau đó, bạn có thể bỏ thuật ngữ “lên, xuống”, bằng các chữ cái.
Bắt đầu bằng các chữ in hoa
Trẻ dễ phân biệt được các chữ in hoa với nhau hơn. Vì thế, bạn hãy bắt đầu dạy trẻ những chữ in hoa trước.
Để trẻ tự khám phá chữ cái
Khuyến khích trẻ tìm các chữ cái trong cuộc sống. Trẻ có thể chỉ những hình “lên, xuống” trên gói mì. Sau đó, bạn có thể khen ngợi bé: “Con mẹ học giỏi quá! Đó là chữ cái ‘M’ trong từ Mì, nó đi lên, xuống, lên rồi lại xuống phải không con?”…
Trẻ sẽ theo dõi cử chỉ bạn vẽ chữ M trên giấy và cả trên hộp sữa. Và tiếp theo, bạn hỏi bé xem còn nhìn thấy những từ nào lên, xuống khác không?…
Hãy để trẻ tự tưởng tượng
Bạn cũng có thể yêu cầu trẻ nhìn những chữ cái và ghi nhớ theo trí tưởng tượng của mình. Sau đó, để trẻ tự miêu tả chữ cái bằng ngôn từ của chính mình. Ví dụ, trẻ có thể nghĩ rằng chữ “O” trông giống như bánh xe, và nó quay tròn…
Vận dụng tất cả các giác quan
Nhìn (nhận biết mặt chữ); nói (phát âm thành tiếng); vận động (chuyển động cơ thể để tạo hình chữ).
Cách học này giúp tăng cường sự phát triển trí não của trẻ và trẻ nhớ tốt hơn. Khi bạn khuyến khích bé tìm kiếm các chữ cái trong cuộc sống và miêu tả lại những gì bé thấy, sau đó tự viết lại, phát âm và học nghĩa của từ. Điều này sẽ giúp phát triển nhận thức và khơi dậy sự yêu thích của bé với chữ cái.