Khi trẻ từ 3 đến 6 tuổi, phạm vi chú ý của trẻ được mở rộng rất nhiều so với giai đoạn trước nhưng chú ý vô thức vẫn chiếm ưu thế. Nếu bố mẹ quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chú ý cho trẻ trong giai đoạn này là một việc làm rất quan trọng để kích thích sự phát triển trí tuệ cho trẻ.
Chú ý được coi là một “cánh cửa” mà tất cả mọi sự vật ở thế giới bên ngoài muốn vào trong thì đều phải thông qua nó.
Tạo môi trường gia đình tốt
Trong gia đình, cha mẹ cần chú ý tạo ra môi trường sống và học tập khoa học cho trẻ, vì nó có tác dụng rất lớn trong việc dạy dỗ trẻ. Để tạo môi trường sống và học tập cho trẻ cha mẹ cần:
– Bố trí đồ đạc trong phòng hợp lí nhất là các đồ đạc của trẻ.
– Khi trẻ thu gọn hay bày đặt đồ đạc hoặc sử dụng các dụng cụ hoạt động thì cha mẹ cũng đều phải đưa ra các yêu cầu cụ thể, giúp trẻ hoàn thiện mọi việc có đầu có cuối.
– Chuẩn bị cho trẻ một góc học tập khoa học, yên tĩnh.
– Lên thời gian biểu cho trẻ và hướng dẫn trẻ hoạt động theo thời gian biểu đã định trước của cha mẹ.
– Tạo môi trường yên tĩnh cho trẻ khi hướng dẫn trẻ xem tranh, sách, hoặc khi trẻ chơi trò chơi gì đó cần sự tỉ mỉ.
Giúp trẻ hiểu rõ mục đích của sự chú ý
Khi trẻ bắt đầu một hoạt động, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ hiểu được mục đích và tiến trình thực hiện của hoạt động đó.
Cha mẹ có thể vừa hoạt động cùng bé vừa nói ra mục đích của hoạt động và mục đích của những hành động nhỏ để hoàn thành công việc.
Ví dụ, khi mẹ và bé cùng chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình, mẹ có thể nói với con: “Nào chúng ta cùng chuẩn bị bữa tối thật chu đáo để khi bố đi làm về nhà mình sẽ có một mâm cơm thịnh soạn con nhé! Bây giờ Cún nhặt rau cùng mẹ nào! Con hãy nhặt những cuộng già đi nào và chú ý là không để sâu lọt vào nồi canh của chúng ta để có một nồi canh thật ngon con yêu nhé!”
Kích thích hứng thú học tập cho trẻ
Tạo hình thức tổ chức học tập cho trẻ phong phú đa dạng, không khí thoải mái, vui vẻ nhẹ nhàng khiến trẻ được học tập với tâm trạng vui vẻ thoải mái, ví dụ: dạy khả năng suy đoán cho trẻ có thể thông qua những trò chơi như lấy các con vật bằng bông đóng vai là các bạn gấu, khỉ, cún. Ba bạn ấy có một bạn làm vỡ cốc của mẹ, mẹ hỏi lần lượt từng bạn trả lời mẹ, con hãy lắng nghe xem bạn nào nói dối mẹ nhé!
Trong giai đoạn này, khả năng chú ý của trẻ thường tập trung vào các hình ảnh mới mẻ sinh động, vì thế cha mẹ cần kết hợp các hình ảnh trực quan trong khi dạy trẻ học.
Phát triển khả năng chú ý của trẻ thông qua các hoạt động chơi
Đối với những trò chơi trẻ thích mà có lợi cho sự phát triển của trẻ thì cha mẹ cần khuyến khích, vì nó rất tốt cho việc bồi dưỡng khả năng chú ý của trẻ.
Ngược lại, nếu trẻ thích những trò chơi có ảnh hưởng không tốt thì cha mẹ cần hướng cho trẻ sang chơi các trò chơi có lợi khác, ban đầu bố mẹ có thể chơi cùng trẻ, giải thích cho trẻ luật chơi và những sáng tạo trong trò chơi để trẻ hứng thú và dần dần thích chơi trò chơi này.
Quan tâm phát triển chú ý sau chủ định cho trẻ
Chú ý sau chủ định là dạng chú ý không cần có sự nỗ lực của ý chí mà trẻ vẫn chú ý và đạt được hiệu quả cao.
Để phát triển chú ý sau chủ định cho trẻ thì cần hướng dẫn trẻ nắm vững thao tác khi thực hiện một hoạt động nào đó, đặc biệt là trong hoạt động học tập như khi dạy trẻ tập vẽ thì hướng dẫn cho trẻ các thao tác cầm bút, tô màu như thế nào…
Bồi dưỡng sự nỗ lực ý chí cho trẻ
Sự nỗ lực ý chí có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển năng lực chú ý cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm bồi dưỡng sự nỗ lực ý chí cho trẻ như: khuyến khích trẻ hoạt động độc lập, trong khi trẻ thực hiện một việc gì đó cần thường xuyên động viên khuyến khích trẻ để trẻ cố gắng thực hiện hoạt động đó đến cùng. Ví dụ: Khi trẻ nhặt rau thì mẹ có thể động viên trẻ “Nào chỉ còn một lát nữa là Chị Bim nhặt xong mớ rau rồi”.
Giúp trẻ học cách tự điều tiết chú ý ổn định
Thời gian duy trì chú ý có chủ định của trẻ 3 – 4 tuổi là 10 – 15 phút, trẻ 4 – 6 tuổi là 15 – 20 phút. Muốn duy trì sự ổn định trong khả năng chú ý của trẻ trong thời gian dài là rất khó khăn. Vì vậy, sau khi trẻ tập trung trong 15 phút thì người lớn cần cho trẻ vài phút để nghỉ ngơi thư giãn như hát, tập thể dục… sau đó quay trở lại với nội dung hoạt động của trẻ.
Luyện khả năng chú ý cho trẻ
Có thể dùng các phương pháp luyện tập sau:
– Đếm số: Chúng ta có thể hướng dẫn trẻ có thói quen đếm số ở mọi lúc mọi nơi, mọi sự vật xung quanh trẻ như đếm số bát ăn cơm cho cả nhà, đếm số ô tô đi trên đường…
– Nhớ lại: Biện pháp cụ thể để trẻ nhớ lại những gì xảy ra trong thời gian ngắn đó là chẳng hạn khi trẻ đi chơi về mẹ có thể hỏi trẻ hôm nay con đi đâu? Con nhìn thấy gì? Con thích cái gì nhất?
Như vậy, để trẻ tập trung chú ý để hoàn thành một hoạt động nào đó cha mẹ cần nói rõ cho trẻ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của hoạt động; cần tạo ra hứng thú cho trẻ trong các hoạt động và học tập cho trẻ đức tính kiên trì nhẫn lại, khi đó trẻ sẽ có sự tập trung chú ý trong các hoạt động của mình.