Sức sáng tạo của mỗi người được tạo nên từ trí tưởng tượng, chính trí tưởng tượng sẽ giúp trẻ có những hiểu biết phong phú, đa dạng về thế giới. Nó tạo nền tảng cho sự phát triển và thành công sau này của trẻ trên cơ sở có được một sức sáng tạo dồi dào.
Trí tưởng tượng có ảnh hưởng rất lớn đến sức sáng tạo, giúp trẻ có những hiểu biết phong phú, đa dạng về thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển và thành công sau này của trẻ. Cha mẹ có thể giúp trẻ làm phong phú trí tưởng tượng của mình thông qua những hoạt động hằng ngày vô cùng đơn giản.
Làm phong phú những biểu tượng trong tâm hồn trẻ
Biểu tượng là những hình ảnh về sự vật, sự việc ở thế giới bên ngoài được trẻ lưu lại trong bộ não. Và đó là cơ sở cho trí tưởng tượng của trẻ, vì vậy những biểu tượng này càng nhiều, trí tưởng tượng sẽ càng phong phú.
Cha mẹ nên dẫn trẻ đi ra ngoài, cùng trẻ quan sát thế giới xung quanh, thăm triển lãm, viện bảo tàng… những hoạt động đó đều làm phong phú thêm kho biểu tượng của trẻ. Để giúp trẻ lưu giữ lâu hơn những biểu tượng đã có, hãy khuyến khích trẻ thuật lại chuyến đi, sáng tạo thêm những chi tiết cho thêm sinh động.
Giúp trẻ phát triển khả năng biểu đạt ngôn ngữ
Trí tưởng tượng luôn dựa trên biểu tượng, nhưng cũng không tách khỏi ngôn từ, đặc biệt khi cần dùng lời nói hoặc chữ viết thuật lại sự tưởng tượng thì ngôn từ đóng vai trò thực sự quan trọng. Vì thế, hãy gia tăng vốn ngôn từ cho trẻ bằng cách khuyến khích trẻ đưa ra những ý kiến, bình luận của mình khi xem một bức tranh, một sự việc nào đó; khuyến khích bé kể chuyện theo những chủ đề khác nhau, bạn nên nghe, khen thưởng, tuyên dương bé cũng như chỉ ra những chỗ chưa đúng cho bé.
Hãy để bé thấy mình là nhân vật chính trong những câu chuyện qua đó không chỉ giúp bé phát triển khả năng biểu đạt ngôn ngữ mà còn giúp bé bộc lộ cảm xúc của bản thân mình.
Khuyến khích trẻ tham gia vào những trò chơi tưởng tượng
Bé học được rất nhiều từ trò chơi tưởng tượng, mỗi một trò chơi là một cuộc phiêu lưu kỳ thú đối với trẻ. Khi “tổ chức” một kịch bản, một trò chơi và tham gia vào đó, bé sẽ phát triển được kỹ năng sử dụng lời nói và giao tiếp xã hội. Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ nhỏ tham tưởng tượng ra những trò chơi khác nhau như: trò chơi bác sĩ, giáo viên, siêu nhân… Những hoạt động chơi này không chỉ kích thích trí tưởng tượng của trẻ mà thông qua đó giúp trẻ học được những bài học khác nhau về cuộc sống: biết cách kiểm soát được những cảm xúc vui, buồn, hoảng sợ, trách nhiệm trong vai trò mới.
Cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể
Mỗi hoạt động tập thể đều lưu lại trong trẻ rất nhiều biểu tượng, hơn nữa khi tham gia những hoạt động này, trẻ cần phát huy trí tưởng tượng và sức sáng tạo của mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, điều này rất có ích cho việc nâng cao trí tưởng tượng của trẻ. Khi những thành quả hoạt động của trẻ được công nhận hoặc khen thưởng, tính tích cực của những hoạt động này càng được phát huy, và trí tưởng tượng của trẻ cũng sẽ phát triển mạnh mẽ.
Hạn chế thời gian xem Tivi
Các nhà khoa học Mỹ đã khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem TV nhưng có rất nhiều bậc cha mẹ chưa để tâm đến lời khuyên đó. Bởi vì nếu xem ti vi nhiều dễ bị ảnh hưởng và rập khuôn theo những hình ảnh mà trẻ thấy, điều đó sẽ làm hạn chế sức tưởng tượng của trẻ.
Nếu bé quá hứng thú với một chương trình TV nào đó, bạn hãy đặt câu hỏi để bé trình bày những ý kiến của mình về những gì bé đã thấy, khuyến khích bé đưa ra càng nhiều ý kiến càng tốt. Hãy chú ý xem điều gì khiến bé thích nhất để qua đó cha mẹ sẽ hiểu trẻ, hiểu về thế giới biểu tượng của trẻ.