Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng virus tay chân miệng tấn công vào tế bào, nên ông khẳng định rằng không thể dùng ozôn để trị bệnh này được.
Phương pháp trị bệnh do tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải đưa ra và áp dụng điều trị cho bệnh nhân ở Ninh Thuận sau khi tỉnh này công bố dịch tay chân miệng. Biện pháp của ông Khải là dùng anolyte (nước ozôn, tạo ra từ quá trình điện phân muối) để vệ sinh nơi ở, quần áo, tắm rửa cho trẻ, cho bé súc miệng hoặc uống, kết hợp với dùng nước chanh tươi, vitamin B1.
Tại Hội nghị chủ đề “Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng” do Bộ Y tế tổ chức trưa 20/11 tại TP HCM, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định, phương pháp điều trị này là không thể và không được chấp nhận. Lý do, nước ozôn chỉ có thể chữa được vết loét ngoài da, hoặc mang tính khử khuẩn dự phòng chứ không có tác dụng điều trị. Trong khi đó, virus tay chân miệng tấn công vào tế bào.
Đại diện Viện Pasteur Nha Trang, cơ quan được Bộ Y tế chỉ đạo đánh giá phương pháp điều trị của tiến sĩ Khải cho chúng tôi biết, việc dùng nước ozôn chữa tay chân miệng như ông Khải là hoàn toàn sai.
“Cách chữa này không có luận chứng khoa học. Việc ứng dụng phương pháp này cho người là sai”, ông Viên Mai Quang, Viện phó Pasteur Nha Trang nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước khi áp dụng điều trị bệnh cho người, tất cả phương pháp phải trải qua quá trình thử nghiệm và phải được Bộ Y tế công nhận.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, dùng nước ozôn chữa bệnh tay chân miệng là điều không thể. Nước này cũng chỉ như tắm sạch hoặc rửa tay chứ không có tác dụng gì khiến bệnh thuyên giảm.
Bác sĩ Khanh cho biết, những vết loét do tay chân miệng chỉ là biểu hiện bên ngoài của bệnh và không phải bệnh nhi nào cũng có. “Nếu dùng ozôn giúp các vết lở không còn, đôi khi còn khiến phụ huynh chủ quan vì tưởng bệnh đã khỏi mà không biết bệnh vẫn còn, thậm chí đang nặng dần lên”, ông Khanh nói.
Vị bác sĩ có hơn 8 năm điều trị tay chân miệng này cho hay, phần lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng đều có thể tự khỏi, riêng những trường hợp biến chứng nặng đều do virus có độc lực cao gây nên. “Điều này càng khẳng định các cách điều trị đơn giản như rửa hoặc súc miệng bằng ozôn là vô nghĩa”, ông Khanh nói.
Xét về phương diện dự phòng, hầu hết bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm và các bác sĩ y tế dự phòng tham gia hội nghị đều cho rằng, nước ozôn nếu có sử dụng thì cũng chỉ dùng như chất khử khuẩn thông thường, vì sau khi khử khuẩn bằng ozôn, bệnh nhân vẫn có thể bệnh bình thường.
Về tình hình bệnh tay chân miệng, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số ca mắc bệnh tay chân miệng với 100,08 ca/100.000 dân, sau Nhật, Singapore và Macau. Tháng 9 là tháng cao điểm với 20.672 trường hợp mắc. Tính đến hết tháng 10, cả nước đã có 90.189 ca mắc với 153 trường hợp tử vong.
Bệnh đang có dấu hiệu giảm ca trên 17 tỉnh thành, song tại 11 tỉnh thành khách như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bạc Liêu, Thừa Thiên – Huế… số trường hợp mắc bệnh vẫn chưa giảm. Trong đó, Ninh Thuận là địa phương đầu tiên công bố dịch.
Thống kê cho thấy, virus tay chân miệng lây lan nhanh và độc lực cao, có thể gây tử vong trong 24 giờ đồng hồ. Tuýp virus độc lực cao EV71 tại Việt Nam cao hơn so với các nước với gần 40% trường hợp, riêng các tỉnh phía Nam là 56,7%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 20%.
Theo Viện trưởng Pasteur TP HCM Trần Ngọc Hữu, thực tế các vùng có bệnh tay chân miệng cho thấy chỉ 50% số người mang mầm bệnh được phát hiện và thống kê. “Virus gây bệnh lây lan khó kiểm soát”, ông Hữu nói.
Căn cứ vào số ca tử vong vì tay chân miệng trong năm, chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng 153 trường hợp tử vong vì tay chân miệng trong hơn 10 tháng là rất cao, gấp 10 lần năm 2010, chính vì thế Bộ Y tế cần phải đặc biệt chú ý việc phòng và trị bệnh.
“Trẻ dưới 5 tuổi cần được chính quyền địa phương thống kê và gia đình phải cần được cán bộ y tế tiếp xúc để vận động các biện pháp phòng bệnh”, ông Nhân nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngành y tế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền gồm các nội dung làm cho người dân biết đối tượng mắc bệnh, đường lây lan, tập trung các địa phương có nguy cơ bệnh cao, cần nói rõ với các bà mẹ là không có thuốc đặc trị nên cách duy nhất là phòng bệnh.